Phát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm ở Hà Nội

  •  
  • 401

Sau cuộc họp khẩn chiều 30/10, Bộ Y tế công bố dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xuất hiện ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Tỷ lệ tử vong do bệnh này có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời.

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho biết, từ ngày 23/10 đến nay, hàng loạt bệnh nhân đã vào viện với các triệu chứng về tiêu hóa như tiêu chảy nhiều, nôn, mất nước. Phần lớn trong số họ đã điều trị ở phòng khám tư nhân hoặc y tế địa phương. Sau đó khi được chuyển lên tuyến trung ương, họ mới được chẩn đoán là mắc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Đến nay, số người được xác định mắc bệnh này là 33, chủ yếu đến từ 11 quận huyện của Hà Nội, một số là người Hà Tây, Vĩnh Phúc. Họ đang được điều trị ở Viện Nhiệt đới và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia, các bệnh viện Bạch Mai, Đống Đa, 198...

Theo Sở Y tế Hà Nội, có đến 90% số bệnh nhân kể trên đã ăn các thực phẩm sống, chủ yếu là mắm tôm, mắm tép

Vi khuẩn gây tiêu chảy (Ảnh rfa.org)

và đây chính là nguồn truyền vi khuẩn gây bệnh. Tiến sĩ Huấn cho biết, loài vi khuẩn này khiến bệnh nhân đi ngoài và nôn liên tục, gây mất nước và điện giải nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, 40-50% số bệnh nhân có thể tử vong do trụy tim mạch.

Vi khuẩn nguy hiểm trên xâm nhập cơ thể qua thức ăn sống và chất thải của bệnh nhân. Hiện nó đã kháng với một số kháng sinh như Tetracyclin, Chloramphenic... Về điều trị, ngoài việc dùng các kháng sinh còn cho hiệu quả cao, phương pháp chủ yếu hiện nay là bù nước và điện giải. 

Hà Nội cấm sử dụng mắm tôm, mắm tép

Hôm nay, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đình chỉ sử dụng mắm tôm, mắm tép trong hoạt động chế biến, kinh doanh của các quán ăn, siêu thị và dịch vụ ăn uống đường phố. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân các tỉnh phía Bắc không ăn các thực phẩm chưa nấu chín, đặc biệt là mắm tôm, mắm tép, hải sản tươi sống, gỏi cá, nem...

Ông Trịnh Quân Huấn dự báo, do nguồn bệnh chính là thực phẩm nên trong thời gian tới, dịch có thể xuất hiện theo dạng xôi đỗ - các ca bệnh rải rác khắp nơi. Nếu không quyết liệt dập ngay thì nguy cơ dịch lan rộng tại chỗ và sang các tỉnh khác rất cao.



Không nên ăn mắm tôm sống và những thực phẩm chưa nấu chín

Hiện nay, để khoanh vùng dịch, ngành y tế đã sử dụng Chloramin B ở tất cả các nguồn nước bề mặt tại gia đình các bệnh nhân. Những người tiếp xúc với họ đều được dùng khánh sinh dự phòng. Ở các khu vực này đều có nhân viên y tế trực 24/24 để phòng những diễn biến khác.

Bộ Y tế cũng đã lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và bắt đầu một cuộc tổng kiểm tra thực phẩm, trước hết là ở các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, Bộ yêu cầu các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An - nơi thường cung cấp mắm tôm cho phía Bắc - ngừng vận chuyển mặt hàng này. Ngày 31/10, Bộ cũng sẽ tổ chức 4 đoàn kiểm tra thực phẩm đi đến các tỉnh, tập trung vào hải sản và thức ăn tươi sống.

4 giải pháp phòng chống tiêu chảy cấp nguy hiểm

Bộ Y tế khẩn cấp khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

1. Vệ sinh cá nhân và môi trường: Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi vệ sinh. Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Gia đình có bệnh nhân cần rắc vôi bột hoặc Chloramin B sau mỗi lần đi tiêu. Phân và chất thải bệnh nhân phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột và Chloramin B sau mỗi lần đi ngoài để sát khuẩn. Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin...

2. An toàn thực phẩm: Ăn chín uống sôi, không ăn rau sống hay uống nước lã, không ăn các thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua

3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ. Tất cả nước ăn, uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất Chloramin B. Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa đồ dùng của bệnh nhân hay vứt súc vật chết, rác xuống ao, hồ, sông, giếng. Khi có người tiêu chảy cấp, nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

H.H.

Theo Vnexpress
  • 401