Các nhà khoa học đã xác định được 9 gene dường như làm suy yếu hoặc làm chắc thêm xương, một phát hiện mở ra khả năng điều trị hiệu quả hơn bệnh loãng xương - căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.
>>> Khi nào cần đo mật độ xương để chẩn đoán loãng xương?
Theo trang tin Punjab Newsline, trong số 100 con chuột bị “nốc ao”, tức có một gene bị làm cho tê liệt, các nhà khoa học đã xác định được những gene này dường như làm suy yếu hoặc làm chắc thêm xương. Loãng xương là một căn bệnh dẫn đến nguy cơ gãy xương tăng.
Giáo sư Peter Croucher thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan ở Sydney (Úc), cùng các cộng sự đã sử dụng kỹ thuật micro-CT và kỹ thuật chụp X-quang kỹ thuật số microradiography để đo lường xem liệu có hay không từng gene trong 100 gene đầu tiên ảnh hưởng đến xương.
“Phương pháp này thành công ở chỗ chúng tôi xác định được 9 gene mà trước đây chưa từng được mô tả, với mỗi gene trong số này dường như có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh bộ xương của chúng ta. Phát hiện này cho thấy khoảng 8-10% trong tất cả các gene có thể có liên quan theo một cách nào đó”, ông Peter cho biết.
"Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu vai trò tiềm năng của 9 gene mà chúng tôi vừa xác định. Kết quả mà chúng tôi thu được cho thấy nếu bạn ngăn chặn một số gene trong số chúng, thì kết quả là xương có thể chắc hơn và có mật độ xương cao hơn. Chúng tôi sẽ tạo ra các kháng thể đối với những gene này để kiểm tra những kết quả trên”, ông này nói thêm.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Public Library of Science Genetics số ra mới nhất.