Phát hiện ba hố thiên thạch chồng lên nhau trên sao Hỏa

  •  
  • 327

Cụm hố va chạm kỳ lạ có thể do một tiểu hành tinh vỡ ra rồi đâm xuống mặt đất, hoặc nhiều tiểu hành tinh cùng đâm xuống sát nhau.

Tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp ảnh cấu trúc kỳ lạ gồm ba hố trũng đè lên nhau trên bề mặt sao Hỏa, Futurism hôm 30/10 đưa tin. Chúng nằm ở vùng Noachis Terra, nam bán cầu của hành tinh đỏ.

Cụm ba hố thiên thạch đè lên nhau trên sao Hỏa.
Cụm ba hố thiên thạch đè lên nhau trên sao Hỏa. (Ảnh: ESA/DLR/FU Berlin).

Các nhà khoa học tin rằng hàng loạt tiểu hành tinh và sao chổi từng dội xuống Noachis Terra cách đây khoảng 4 tỷ năm và để lại nhiều hố trũng. Họ đặc biệt quan tâm đến các hố trũng cổ xưa này vì chúng có thể hé lộ những bí mật về lịch sử và sự tiến hóa của hành tinh đỏ.

Cụm hố trũng trong ảnh chụp của tàu Mars Express nằm ở phía đông của hố trũng Le Verrier nổi tiếng rộng 140km. Trong khi đó, chiếc lớn nhất của bộ ba hố trũng chỉ rộng 45km, chiếc nhỏ nhất rộng 28km. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể cụm hố hình thành khi một tiểu hành tinh vỡ làm ba mảnh rồi đâm xuống mặt đất. Một giả thuyết khác khó xảy ra hơn là ba tiểu hành tinh cùng đâm xuống vị trí sát nhau.

Nếu giả thuyết thứ nhất đúng thì khí quyển sao Hỏa 4 tỷ năm trước dày hơn đáng kể so với hiện nay, đủ khả năng để làm vỡ một thiên thạch lớn như vậy thành nhiều mảnh khi nó lao xuống. Điều này đồng nghĩa sao Hỏa có thể từng ấm áp và ẩm ướt hơn nhiều. Nghiên cứu năm ngoái trên tạp chí Science Advances cũng cho thấy hành tinh đỏ từng chứa rất nhiều sông lớn.

Giống các hố trũng cổ đại ở cao nguyên phía nam sao Hỏa, cụm ba hố trũng có vành khá thấp, lòng hố nông, bên trong chứa đầy trầm tích từ 4 tỷ năm trước. Nguyên nhân có thể là băng di chuyển bên dưới bề mặt sao Hỏa hàng triệu năm, làm mềm đất, cuối cùng làm phẳng những phần lõm sâu.

Cập nhật: 02/11/2020 Theo VnExpress
  • 327