Thế giới chỉ 6 quốc gia dấn thân làm việc này: Trung Quốc nhăm nhe "soán ngôi vương"!

  •  
  • 1.489

Lộ trình của Trung Quốc rất rõ ràng.

1. Trung Quốc tiết lộ tham vọng táo bạo

Tờ SCMP dẫn lời một quan chức không gian cấp cao Trung Quốc đã xác nhận Trung Quốc có kế hoạch đưa mẫu vật từ bề mặt sao Hỏa vào năm 2031. Nếu điều này thành công theo đúng kế hoạch, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đưa các mẫu sao Hỏa về Trái Đất.

Đồng thời, với mốc thời gian đạt được (mang mẫu trở về) là năm 2031, Trung Quốc sẽ 'vượt mặt' NASA và ESA để hoàn thành kế hoạch (theo dự kiến) đưa mẫu sao Hỏa về Trái Đất nghiên cứu trước hai cơ quan này.

Theo Sun Zezhou, nhà thiết kế chính của sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc là Tianwen 1 (Thiên Vấn 1) cũng như sứ mệnh Mặt trăng Chang'e 3 và Chang'e 4, thì mốc thời gian năm 2031 sẽ sớm hơn 2 năm so với sứ mệnh thu thập mẫu vật sao Hỏa do Mỹ - Châu Âu kết hợp thực hiện.

 Hình ảnh một phần địa hình trên sao Hỏa.
Hình ảnh một phần địa hình trên sao Hỏa. NASA cho biết, khoảng cách giữa Trái Đất và sao Hỏa dao động từ khoảng 54,6 triệu km (khoảng cách gần nhất) đến 400,7 triệu km (khoảng cách xa nhất). (Ảnh: NASA)

SCMP cho hay, theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ thực hiện sứ mệnh Thiên Vấn 3 - gửi hai tàu vũ trụ - một tàu vũ trụ bao gồm tàu đổ bộ và phương tiện di chuyển trên sao Hỏa; tàu vũ trụ còn lại là tàu quỹ đạo và khoang tái nhập - bay đến Hành tinh Đỏ vào năm 2028.

Phát biểu tại buổi kỷ niệm 120 năm thành lập Đại học Nam Kinh, ông Sun Zezhou nêu rõ kế hoạch của Thiên Vấn 3, cụ thể: Sau khi tàu đổ bộ chạm xuống bề mặt sao Hỏa khoảng tháng 9/2029, nó sẽ tiến hành việc khoan lấy mẫu sao Hỏa và xúc chúng lên. Những mẫu đất đá sẽ được đưa vào quỹ đạo của sao Hỏa và sứ mệnh sẽ lên đường về Trái Đất vào khoảng tháng 10/2030, rồi về 'nhà' vào tháng 7/2031.

Sứ mệnh lấy mẫu sao Hỏa về Trái Đất nghiên cứu của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan chính phủ và không gian hàng đầu trong nước. Tham vọng thực hiện sứ mệnh chưa từng có của nước này đã được tuyên bố trước đây trong Sách Trắng của chính phủ nước này (hồi tháng 1/2022) và nằm trong kế hoạch phát triển của Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2025.

2. Chậm nhưng chắc

Lấy mẫu từ sao Hỏa để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Trái Đất từ lâu đã là ước mơ của các nhà khoa học hành tinh trên khắp thế giới, Sun Zezhou nói.

Giờ đây, nhóm của ông đang phát triển các công nghệ quan trọng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ phức tạp. Ví dụ, so với Thiên Vấn 1, việc đi vào khí quyển sao Hỏa sẽ khó khăn hơn vì khối lượng và vận tốc của tàu vũ trụ sẽ tăng lên đáng kể. Nó có thể dễ dàng bị cháy nếu không được che chắn tốt hoặc bị rơi nếu dù không hoạt động bình thường.

Nhóm nghiên cứu vẫn chưa quyết định sử dụng chất đẩy rắn hay lỏng để cất cánh từ sao Hỏa để đáp ứng tốc độ tăng 4,5 km/giây và môi trường khắc nghiệt -60 độ C trên đó.

Sun Zezhou cho biết nhóm nghiên cứu cũng đang tranh luận về thời điểm cụ thể phóng hai tàu vũ trụ. "Nếu cả hai tàu vũ trụ được gửi trong thời gian phóng từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2028, chúng ta sẽ đổ bộ vào một mùa bão bụi khiến công việc của chúng ta ở đó rất khó khăn. Nếu tổ hợp tàu đổ bộ và phương tiện di chuyển trên bề mặt sao Hỏa được phóng sớm hơn một chút, chẳng hạn như tháng 5 năm 2028, thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để đến sao Hỏa* nhưng lại tránh được thời tiết xấu" - ông nói.


Dòng tên lửa Trường Chinh hiện là dòng tên lửa đẩy mạnh nhất của Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong hành trình khám phá không gian của nước này. (Ảnh: Su Dong/Chinadaily.com.cn)

Các tổ hợp sẽ phóng riêng lần lượt trên tên lửa Long March 5 (Trường Chinh 5) và Long March 3B (Trường Chinh 3B).

Các tuyên bố trước đó về sứ mệnh Thiên Vấn 3 đề xuất sử dụng một tên lửa đẩy siêu nặng Long March 9 (Trường Chinh 9) trong tương lai.

Trong Sách Trắng của chính phủ Trung Quốc công bố hồi đầu năm 2022, Bắc Kinh khẳng định: Trung Quốc đặt những mục tiêu mới trong cuộc đua trở thành cường quốc không gian số 1 trên thế giới trong những năm 2030.

Lộ trình của Trung Quốc rất rõ ràng:

  • Cuối năm 2022: Hoàn thành trạm vũ trụ Trung Quốc - tên Thiên Cung.
  • Năm 2027: Cùng Nga xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS).
  • Năm 2028: Hoàn thành siêu tên lửa Trường Chinh 9; Phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa để lấy mẫu về
  • Năm 2030: Đưa người đổ bộ Mặt Trăng.

Với một loạt kế hoạch không gian nổi bật này, Trung Quốc đang tỏ rõ tham vọng chinh phục vị trí cường quốc số 1 về khám phá không gian. Bởi, tất cả những kế hoạch như đưa người lên Mặt Trăng, thám hiểm sao Hỏa... cũng đều nằm trong chiến lược lớn của NASA, châu Âu.

Nếu như những năm 1950, 1960 của thế kỷ 20 là khoảng 'thời gian vàng' của Mỹ và Liên Xô khi chứng minh được những thành tựu chinh phục vũ trụ thì bước sang những thập niên đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc đang tỏ rõ là đối thủ đáng gờm của Mỹ và châu Âu.

3. "Xương sống" của chương trình không gian Trung Quốc

Có thể nói, dòng tên lửa Trường Chinh chính là "cánh tay phải đắc lực" của chương trình khám phá không gian của Trung Quốc. Nhiều thế hệ tên lửa Trường Chinh đã được các kỹ sư Trung Quốc sản xuất để phóng vệ tinh, tàu vũ trụ, kính viễn vọng không gian, tàu thăm dò... ra ngoài không gian. Hiện, Trường Chinh 5 là tên lửa mạnh nhất của nước này.

Chưa dừng ở đó, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng siêu tên lửa Trường Chinh 9 để phục vụ cho các sứ mệnh khám phá không gian tham vọng hơn nữa, nhằm theo đuổi vị trí cường quốc không gian số 1 thế giới.

Nói thêm về siêu tên lửa đang trong quá trình xây dựng này. Siêu tên lửa Trường Chinh 9 tầm cỡ thế giới - "Xương sống" của chương trình đưa người lên Mặt Trăng năm 2030 của Trung Quốc - đang được Bắc Kinh ngày đêm xây dựng. Nước này dự định sẽ phóng thử Trường Chinh 9 vào năm 2028 [đúng vào năm sứ mệnh Thiên Vấn 3 lên đường lên sao Hỏa].

Theo kế hoạch, siêu tên lửa Trường Chinh 9 sẽ là một trong những cỗ máy mạnh nhất thế giới khi được hoàn thành; và mạnh gấp 6 lần so với tên lửa Trường Chinh 5 mà nước này đang sử dụng.

Trường Chinh 9 được thiết kế với tải trọng lên Quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) 140 tấn; tải trọng lên Mặt Trăng 50 tấn và tải trọng lên sao Hỏa 44 tấn - Nhà thầu vũ trụ chính Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) cho biết.

Nhà thiết kế chính của Thiên Vấn 1 cho biết, Trung Quốc là nước đến sau trong cuộc thám hiểm sao Hỏa, nhưng giờ đây đã có vai trò lớn trên trường quốc tế nhờ vào nền tảng công nghệ được xây dựng từ nhiều thập kỷ thám hiểm Mặt Trăng của nước này.

Vào tháng 7 năm 2020, Trung Quốc đã khởi động sứ mệnh sao Hỏa đầu tiên của mình, Thiên Vấn 1, bao gồm một tàu quỹ đạo, một tàu đổ bộ và một tàu thăm dò mang theo tổng cộng 13 dụng cụ khoa học. Cuộc hạ cánh diễn ra an toàn trên đồng bằng sao Hỏa Utopia Planitia vào tháng 5 năm 2021.

 Khoảnh khắc lịch sử trong sứ mệnh Thiên Vấn 1 của Trung Quốc trên sao Hỏa.
Khoảnh khắc lịch sử trong sứ mệnh Thiên Vấn 1 của Trung Quốc trên sao Hỏa. Tàu đổ bộ cách mặt đất sao Hỏa vài mét trước khi chạm đất thành công năm 2021. (Ảnh: CNSA).

Cuối năm 2021, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sứ mệnh Thiên Vấn 1 thành công. Sun Zezhou cho biết cho đến nay, tàu quỹ đạo đã hoàn thành cuộc khảo sát viễn thám toàn cầu về sao Hỏa, trong khi tàu thám hiểm Chúc Dung đã đi được 1.921 km về phía nam tính từ điểm hạ cánh của nó.

Trong bối cảnh liên quan, Mỹ (cụ thể là NASA) và châu Âu (cụ thể là Cơ quan Vũ trụ Châu Âu - ESA) đã chung tay thực hiện một sứ mệnh thậm chí còn phức tạp hơn nhằm mang về các mẫu vật từ sao Hỏa về Trái Đất, một số mẫu hiện đang được thu thập bởi tàu thám hiểm tự hành Perseverance của NASA.

Vào tháng 3/2022, NASA đã công bố kế hoạch trì hoãn giai đoạn tiếp theo của chiến dịch trả mẫu sao Hỏa và chia một sứ mệnh đổ bộ thành hai tàu vũ trụ riêng biệt để giảm rủi ro tổng thể của chương trình.

Theo kế hoạch sửa đổi, tàu quỹ đạo trở lại Trái Đất của ESA sẽ phóng vào năm 2027 và các mẫu sẽ quay trở lại Trái Đất vào năm 2033 - dự kiến muộn hơn Trung Quốc 2 năm.

[Trước khi công bố hoãn kế hoạch này, NASA và ESA có lộ trình rõ ràng: 

Năm 2026, một tàu đổ bộ lấy mẫu do NASA dẫn đầu và một tàu quỹ đạo quay trở lại Trái Đất do ESA dẫn đầu sẽ được phóng lên sao Hỏa. Theo kế hoạch, tàu đổ bộ sẽ thu thập các mẫu của tàu tự hành Perseverance và đưa chúng vào một tên lửa có tên là MAV. Các mẫu sao Hỏa được lên kế hoạch thu thập bởi tàu quỹ đạo, sẽ sử dụng cơ chế thu thập do NASA cung cấp, và trở về Trái Đất vào năm 2031].

Với sứ mệnh Mỹ-Âu diễn ra muộn hơn so với kế hoạch ban đầu và sứ mệnh của Trung Quốc có khả năng chạy trước, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia đầu tiên mang mẫu đất đá từ sao Hỏa trở về Trái Đất - một thành tựu mà chưa một quốc gia nào từng làm được trong lịch sử!

Cho đến nay, chỉ có một số quốc gia trên thế giới thám hiểm sao Hỏa thành công. Ngoài Mỹ và Trung Quốc thì Liên Xô, ESA, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã phóng tàu quỹ đạo đến Hành tinh Đỏ (có những sứ mệnh thành công và có những sứ mệnh thất bại).

Chú thích trong bài:

(*) NASA cho biết, khoảng cách giữa Trái Đất và sao Hỏa dao động từ khoảng 54,6 triệu km (khoảng cách gần nhất) đến 400,7 triệu km (khoảng cách xa nhất). 

Sở dĩ có những sự khác nhau về khoảng cách giữa hai hành tinh này là do quỹ đạo hình elip giữa chúng. Để tiết kiệm thời gian bay và nhiên liệu, các nhà khoa học hành tinh thường tính toán kỹ để chọn lúc thích hợp nhất phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa.

Cập nhật: 24/06/2022 Tổ Quốc
  • 1.489