Các vật dụng được khai quật từ một hang động ở miền Trung Mexico mới đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy loài người đã sống ở khu vực Bắc Mỹ khoảng 30.000 năm trước, tức là sớm hơn khoảng 15.000 năm so với những giả thuyết trước đây.
Theo hai nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 22/7, các đồ tạo tác, gồm 1.930 công cụ bằng đá vôi, như các giá phơi nhỏ và những lưỡi dao sắc có thể thái thịt và một số đầu nhọn có thể sử dụng làm ngọn giáo..., được tìm thấy ở hang Chiquihuite trên núi cao thuộc bang Zacatecas, chứng tỏ con người đã sống ở đây trong khoảng 20.000 năm.
Nhà khảo cổ học tại Đại học Autonoma de Zacatecas, cũng là tác giả hàng đầu của một trong các nghiên cứu trên, ông Ciprian Ardelean cho biết các công cụ trên có niên đại từ 31.000 năm đến 12.500 năm trước.
Các nhà khảo cổ tại hang động ở Mexico. (Nguồn: nationalgeographic).
Không có dấu vết của xương người hoặc ADN được tìm thấy ở hang động này. Nghiên cứu trên kết luận: "Nhiều khả năng người xưa đã sử dụng nơi này một cách tương đối thường xuyên, có thể theo mùa trong các chu kỳ di cư". Các công cụ bằng đá - duy nhất ở châu Mỹ - cho thấy "một kỹ thuật hoàn chỉnh", mà các tác giả nghiên cứu phỏng đoán là đã được mang đến từ nơi khác.
Trong nghiên cứu thứ hai, các bằng chứng tìm thấy ở 42 khu vực khảo cổ quanh Bắc Mỹ và nơi từng có một eo đất nối Siberia với Alaska trong Kỷ Băng hà đã chứng tỏ sự hiện diện của loài người ít nhất từ thời kỳ gọi là Đại Băng hà cuối, khi các tảng băng còn phủ kín hầu hết châu lục này, tức là cách đây khoảng 26.000 năm đến 19.000 năm.
Nghiên cứu cũng cho thấy đã tồn tại loài người trong quá trình tuyệt chủng của nhiều loài động vật có vú lớn Kỷ Băng hà như ma mút và lạc đà. Các phát hiện cũng cho thấy một số ít người đã xuất hiện ở châu lục này sớm hơn thời điểm các nhà khoa học đã khám phá trước đó - có thể bằng thuyền men theo bờ biển Thái Bình Dương, hơn là đi qua eo đất nối hai bờ - và một số đã chết khi chưa kịp có hậu duệ.
Ông Ardelean cho biết: "Các kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã cung cấp bằng chứng mới về thời cổ xưa của loài người tại châu Mỹ".
Theo ông, đây là những đồ tạo tác hiếm hoi duy nhất, có niên đại từ cách đây 31.000-33.000 năm.
Những hiểu biết về thời điểm và cách thức người hiện đại đã đến châu Mỹ vẫn đang gây tranh cãi lớn trong giới chuyên gia, và các phát hiện mới nói trên sẽ tiếp tục là chủ đề thảo luận.
Theo ông Ardelean, mỗi khi ai đó phát hiện nơi nào có loài người sinh sống trước mốc 16.000 năm, thì phản ứng đầu tiên luôn là bác bỏ hoặc trở thành chủ đề tranh luận.
Loài người hiện đại xuất hiện đầu tiên ở châu Phi, cách đây khoảng 300.000 năm, sau đó di chuyển đi khắp thế giới.
Trước đây, về vấn đề thời điểm con người xuất hiện tại châu Mỹ, thuyết được chấp nhận nhiều nhất là những người đầu tiên đặt chân lên châu lục này là đi qua một eo đất từ Nga sang Alaska cách đây khoảng 13.500 năm và di chuyển qua một hành lang giữa hai lớp băng khổng lồ xuống phía Nam.
Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy những mũi giáo chỉ có ở châu Mỹ đã được sử dụng để săn ma mút và các loại động vật tiền sử khác. Từ những khám phá này, các nhà khoa học đã đặt tên thời kỳ này là văn minh Clovis trải dài khắp Bắc Mỹ, hình thành nên thổ dân châu Mỹ.
Tuy nhiên, lý thuyết này đã sụp đổ sau khi các nhà khoa học phát hiện những bằng chứng khảo cổ về hoạt động định cư, chứng tỏ con người đã xuất hiện ở khu vực này sớm hơn Văn minh Clovis từ 2-3.000 năm.
Không chỉ như vậy, các phát hiện dấu vết vũ khí và công cụ tại những địa điểm này không giống với những đồ vật được phát hiện được cho là thuộc Văn minh Clovis.
Những phát hiện này đã dẫn đến kết luận con người đã xuất hiện ở châu Mỹ rất lâu trước thời kỳ văn minh Clovis.