Phát hiện bệnh loãng xương qua móng tay

  •  
  • 2.501

Các nhà khoa học đã tìm ra rằng chụp cắt lớp móng tay có thể biết được có bị loãng xương hay không, do trong móng tay và xương đều có một chất liên kết quan trọng và thiết yếu, giúp cho chúng chắc khoẻ.

Thực hiện nghiên cứu này là các nhà khoa học thuộc Đại học Limerick. Họ kết luận rằng nếu lượng chất liên kết đặc biệt này trong móng tay thấp thì chắc chắn lượng chất này trong xương tương ứng cũng thấp.

Chụp cắt lớp móng tay có thể biết được có bị loãng xương
Chụp cắt lớp móng tay có thể biết được có bị loãng xương (Ảnh: nail-company)
Đây có thể coi là một phương pháp phát hiện bệnh loãng xương mới đơn giản và chi phí không cao. Kết quả này dự tính sẽ được công bố rộng rãi vào cuối năm nay.

Loãng xương là bệnh rất phổ biến (đặc biệt là ở người cao tuổi), nó làm cho xương bị yếu và có thể dẫn tới gãy xương, rất khó chữa lành.

Ở Anh cứ 3 phụ nữ thì có một người bị bệnh loãng xương, và tỷ lệ này ở nam giới là 1/12. Hàng năm theo ước tính tại quốc gia này có khoảng 200.000 người bị gãy xương và mỗi ngày có khoảng hơn 40 người thiệt mạng.

Ý tưởng về phương pháp mới này bắt nguồn từ một phát hiện ngẫu nhiên của một bác sĩ. Trong khi chăm sóc các bệnh nhân bị bệnh loãng xương vị bác sĩ này đã phát hiện móng tay của họ mềm hơn bình thường.

Ngay sau đó tiến sĩ Mark Towler thuộc Đại học Limerick được chỉ định phân tích thành phần cấu tạo của móng tay và xương để tìm ra câu trả lời. Ông đã lấy mẫu móng tay và xương ở 10 bệnh nhân loãng xương để xem xét và đem so sánh kết quả với mẫu móng tay và xương của 10 người bình thường.

Cuối cùng ông thấy rằng những người bị bệnh loãng xuơng có lượng chất liên kết disulphide (cần để liên kết một phân tử protein này với một phân tử protein khác) thấp hơn so với những người không mắc căn bệnh này. (Ở trong móng tay, disulphide giúp liên kết chất sừng, còn ở xương chất này có tác dụng liên kết các protein collagen với nhau)

Ngoài ra các nhà khoa học còn tiến hành nghiên cứu trên 200 người khác trước đó đã sử dụng phương pháp chụp cắt lớp xương để chẩn đoán bệnh loãng xương. Nếu ai đó qua phương thức này được chẩn đoán là bị bệnh loãng xương thì đồng thời các nhà khoa học cũng phát hiện lượng chất disulphide trong xương và móng tay của họ ở mức thấp.

Tiến sĩ Towler cho biết: "Nhiều người thường đi chụp cắt lớp xương sau thời kỳ mãn kinh hay sau một thời gian hút thuốc nhằm phát hiện bệnh loãng xương để điều trị kịp thời. Với phương thức mới này mọi người sẽ không cần tới biện pháp tốn kém này nữa. Họ chỉ cần gửi mẫu móng tay của mình tới bệnh viện và vẫn có được kết quả chính xác".

Các nhà khoa học đang tìm nguồn tài trợ để tiến hành các nghiên cứu tiếp theo nhằm xác định chính xác lượng chất disulphide trong xương là bao nhiêu thì một người được coi là đã bị bệnh loãng xương và ở mức nào thì chỉ là đang có nguy cơ.

Theo VTV, HealthDay, VNE
  • 2.501