Phát hiện cây dã hương cổ thụ tại Nam Định

  •   2,34
  • 12.718

Dã hương là cây thuộc dòng long não, hoa nhỏ màu vàng nhạt, nở vào cuối mùa xuân. Các bộ phận của thân cây có chứa tinh dầu thơm, gỗ đốt thơm như hương trầm. Đặc biệt rễ cây có chứa chất Safrol – thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến thực phẩm và mỹ phẩm.

Những ngày gần đây, người dân thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đang xôn xao về một cây cổ thụ, cho rằng đó là cây thuộc loài dã hương – loài cây quý hiếm đã được ghi trong sách đỏ của thế giới. Nếu thông tin trên là đúng thì đó là một tin vui cho Việt Nam, chúng ta đang sở hữu 2 cây dã hương cổ thụ quý hiếm nhất thế giới.

Dã hương có dáng đẹp uy nghi và có khả năng sống hàng nghìn năm tuổi, là loài cây quý hiếm trên thế giới. Được biết, trên thế giới hiện nay mới xác định còn tồn tại 2 cây dã hương cổ thụ, một cây ở châu Phi (mới chết vì sâu, mối) và một cây ở thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Cây dã hương ở thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Về cây dã hương ở Bắc Giang, một số báo, đài đã đề cập, theo đó cây này được Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) có sắc phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (cây dã hương lớn nhất nước); được ghi tên, in ảnh trong cuốn Từ điển bách khoa Larouse của Pháp và giới thiệu ảnh tại Hội chợ Marseille năm 1932; được Trường Viễn Đông Bắc Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) xếp vào loại cây cổ thụ quý hiếm của Việt Nam. Năm 1989, Bộ Văn hóa – Thông tin đã xếp cây dã hương ở Bắc Giang nằm trong quần thể cụm di tích quốc gia (gồm cây dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc Quang, đình Thuận Hòa, đền Thánh Cả).

Năm 2001, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đa dạng sinh học đã có đề tài khoa học nghiên cứu về cây dã hương. Qua các nhận xét, đánh giá thì cây dã hương ở xã Tiên Lục, tỉnh Bắc Giang đã tồn tại trên 700 năm, khẳng định đó là cây dã hương cổ thụ, quý hiếm trên thế giới.

Thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn cây dã hương cổ thụ ở Bắc Giang, Nhà nước đầu tư nhiều tiền của để nghiên cứu, chăm sóc, diệt sâu mối cho cây. Hiện nay cây dã hương ở Bắc Giang đã xanh tươi trở lại và thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Theo anh Nguyễn Văn Đề, người trông coi cây dã hương, mỗi tháng có khoảng 300 lượt khách du lịch đến tham quan. Rõ ràng sự quan tâm kịp thời của các cơ quan chức năng đã cứu sống được cây dã hương cổ thụ quý hiếm ở Bắc Giang, mang lại giá trị lịch sử, tinh thần và niềm tự hào cho người dân Bắc Giang nói riêng và cả nước ta nói chung.

Để làm rõ thông tin về cây dã hương ở thôn Dương Phạm, chúng tôi đã về xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quan sát kỹ cây dã hương cổ thụ ở Bắc Giang, chúng tôi thấy cây cổ thụ ở thôn Dương Phạm có nhiều điểm giống với cây dã hương ở xã Tiên Lục, tỉnh Bắc Giang.

Sau khi mang một số tiêu bản như lá, vỏ cây, gỗ và hoa lên so sánh với cây dã hương ở Bắc Giang, có sự chứng kiến của anh Nguyễn Văn Đề, chúng tôi khẳng định cây cổ thụ tại thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là cây dã hương cổ thụ.

Về kích thước, tuy nhỏ hơn cây dã hương ở Bắc Giang, song cây dã hương thôn Dương Phạm, tỉnh Nam Định có dáng vẻ uy nghi, kỳ thú rất đẹp mắt.

Vòng tròn gốc đo được là 11m (cây dã hương ở Bắc Giang 12,5m), chiều cao khoảng 28m (cây dã hương ở Bắc Giang là 36m). Đặc biệt, gốc cây dã hương thôn Dương Phạm có bộ rễ nổi, đua lên như những càng cua, trên thân cây (cách gốc khoảng 8m) có một cây sanh to sống ký sinh, rễ cắm xuống đất to bằng cả vòng tay ôm, quả là một sự cộng sinh độc đáo.

Nói chuyện với bác Nguyễn Văn Kiên, Chi hội Sinh vật cảnh xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, người đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu, giới thiệu và kêu gọi sự bảo vệ và chăm sóc cho cây dã hương thôn Dương Phạm, bác cho biết cây cổ thụ này đã tồn tại từ 6 đến 7 thế kỷ.

Tuy nhiên, bên cạnh vẻ uy nghi, kỳ thú, hiện nay toàn thân cây dã hương ở thôn Dương Phạm đang bị sâu, mối hoành hành nghiêm trọng, nhiều cành lớn đã bị mục, ruỗng, trơ trụi. Được biết người dân xã Yên Nhân đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng với chính quyền, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Nam Định về việc bảo vệ, chăm sóc cho cây dã hương thôn Dương Phạm, song cho đến nay vẫn chưa có ý kiến phản hồi.

Trước nguyện vọng chính đáng của người dân thôn Dương Phạm, xã Yên Nhân, các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cần có hình thức quan tâm kịp thời đối với cây cổ thụ quý hiếm trên.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đa dạng sinh học, đã từng có đề tài khoa học nghiên cứu về cây dã hương ở Bắc Giang năm 2001, cần có hình thức nghiên cứu, xác định độ tuổi và cách chăm sóc, bảo vệ phù hợp cho cây dã hương thôn Dương Phạm.

Đừng để thêm một cây dã hương cổ thụ quý hiếm của thế giới phải chết vì sâu, mối và sự thiếu quan tâm của chúng ta.

Văn Huân – Đình Thư

Theo CAND.com.vn
  • 2,34
  • 12.718