Loại cây này rất được ưa chuộng ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong thế giới thực vật, một loại cây có tên gọi đáng sợ nhưng trên thực tế rất được ưa chuộng ở nhiều quốc gia châu Á. Tên của loại cây này trong tiếng Anh là "Devil's tongue" nghĩa là "lưỡi quỷ". Nguyên nhân là do hoa của nó có hình dáng đặc biệt tựa như một chiếc lá mọc ra từ cái loa. Đó là cây khoai nưa.
Khoai nưa là loại cây được ưa chuộng ở nhiều quốc gia châu Á. (Ảnh: An ninh Thủ đô).
Theo An ninh Thủ đô, khoai nưa (Amorphophallus konjac) là loài thực vật có nhiều đặc điểm sinh học lý thú. Đây là một loài cây lâu năm thuộc họ Ráy (Araceae), mọc từ thân củ lớn có đường kính lên tới 25 cm.
Hình ảnh mô tả cây khoai nưa trong Curtis's Botanical Magazine. (Ảnh: Curtis's Botanical Magazine).
Cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Đỗ Tất Lợi cho biết, khoai nưa là cây sống lâu năm có củ to hình cầu dẹt có khi to hơn đầu một người lớn, thịt màu vàng, ăn hơi ngứa. Lá đơn có cuống dài tới 40cm hay hơn, màu xanh lục nâu có đốm trắng, xẻ ba thành những đoạn dài 50cm, phiến lá khía nhiều và sâu. Bông mo tận cùng bằng một phần bất thụ, hình trụ, màu tím. Mo màu nâu sẫm. Mùa hoa: mùa hạ và thu.
Lá mọc thẳng từ thân củ, sau khi ra hoa, thường chỉ có 1 lá. Từng lá được phân ra làm ba nhánh nhỏ, các nhánh này lại tiếp tục phân thêm các đốt khác. Phiến lá đơn, màu xanh lục nâu, có đốm trắng, thường xẻ sâu thành thùy hình lông chim, có thể đạt tới chiều ngang 1,3 mét. Cuống dài và mập còn gọi là Dọc nưa.
Mỗi cụm hoa của khoai nưa có thể dài tới 1,5 mét. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Thông tin từ An ninh Thủ đô, cụm hoa mang trên cuống dài, mọc thẳng đứng. Mỗi cụm hoa có thể dài tới 1.5 mét, khiến khoai nưa là một trong những loài cây cho hoa to nhất trong thế giới thực vật. Có 1 mo kích thước lớn, mép lượn, màu đỏ tía phía trong, màu xanh phía ngoài. Bao lấy bông mo này là trục dài gấp đôi mo, mang phần hoa cái ở dưới, hoặc đực ở trên. Hoa không có bao, hoa đực có nhị rời, hoa cái có bầu hình trứng.
Giống như hoa xác thối, hoa khoai nưa cũng tỏa ra mùi hương thịt thối. Đây là cách để thu hút các loài ruồi nhặng đến thụ phấn. Điều này không có gì ngạc nhiên khi khoai nưa là họ hàng gần của cây hoa xác thối (Amorphophallus titanum), loài thực vật có hoa dạng chùm không phân nhánh lớn nhất trên thế giới.
Quả của cây là dạng quả mọng.
Khoai nưa mọc hoang hóa khắp các tỉnh miền núi nước ta. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Loại cây này phân bố ở các vùng khí hậu ấm áp thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cây khoai nưa mọc hoang hóa khắp các tỉnh miền núi nước ta, chúng chịu hạn rất tốt nên thường mọc ở những nơi khô ráo, dưới các tán cây rừng. Hiện nay loài cây này phân bố, mọc chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung như: Hòa Bình, Điện Biên, Yên Bán, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế…
Từ một loài cây mọc hoang, khoai nưa đã được trồng ở nhiều nơi, nhiều nhất là ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, để thu hoạch thân củ nhiều tinh bột làm thực phẩm.
"Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" có viết rằng, cây khoai nưa được trồng để lấy củ ăn. Khoai nưa cần được thu hoạch sớm khi chưa già, lúc này, khoai thường bở và ít ngứa hơn. Củ sau khi thu hoạch được cạo sạch vỏ, đồ chín phơi hay sấy khô, khi dùng ngâm cho mềm, thái mỏng rồi ngâm nước phèn chua và gừng, sao cho thơm và hết ngứa. Củ muốn ăn được phải chế biến nấu với vôi cho hết chất ngứa.
Khoai nưa được người Nhật gọi là konnyaku (nguồn gốc tên gọi konjac của loài cây này trong tiếng Anh), có vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản, được dùng phổ biến trong món oden, làm sợi mì và thạch. Các nhà sử học đã tìm thấy một quyển sách dạy nấu ăn có tên 100 món ngon với khoai nưa đã được xuất bản vào năm 1864.
Loại cây này được trồng để lấy củ ăn. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Cây khoai nưa không chỉ là nguyên liệu trong ẩm thực mà còn là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Loại cây này đã được sử dụng từ lâu đời trong y học cổ truyền, được ghi chép trong nhiều tài liệu y học quý giá như: Bản thảo cương mục, Lôi hổ ký,…
Trong Tây y, thành phần của khoai nưa bao gồm tới 97% nước và chỉ có 3% còn lại là chất xơ glucomannan - chất quan trọng giúp hỗ trợ làm sạch và nhu động ruột. Vì thế, người Nhật thường dùng khoai nưa như một loại thực phẩm chữa bệnh.
Người Nhật thường dùng khoai nưa như một loại thực phẩm chữa bệnh. (Ảnh: You Med)
Ví dụ như món mì shirataki làm từ khoai nưa chứa rất ít calo (chỉ khoảng 5 calo trên 100 gam), ít carbohydrate, không chứa gluten và hoàn toàn thuần chay. Mì shirataki và những món làm từ khoai nưa có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giảm cholesterol, thân thiện với bệnh nhân tiểu đường và tim mạch.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo củ nưa có tính độc nên khi sử dụng các bài thuốc từ củ nưa mọi người phải hết sức thận trọng, hỏi ý kiến bác sĩ để tránh những ảnh hưởng không mong muốn.
Khoai nưa là một cây trồng kinh tế (giá 1 tấn bột Nưa dược dụng có giá vào khoảng hơn 13.000 15.000 USD) được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm, y học và công nghiệp hóa học tại nhiều nước trên thế giới.
Riêng tại Việt Nam, khoai nưa là loại cây trồng truyền thống được nhiều địa phương gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ đến nay. Cây nưa được trồng chủ yếu từ tỉnh Nghệ An vào đến tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đặc biệt, khoai nưa được coi là cây "đặc sản" của thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Cây nưa trồng tại đây hầu như không bỏ thứ gì cả. Khi thu hoạch, lá được bứt cho lợn ăn, củ nưa ngoài chọn những củ to làm giống thì số còn lại làm thực phẩm hoặc bán cho các nơi sản xuất bánh kẹo…
Khoai nưa là loại cây trồng kinh tế ở nhiều địa phương tại Việt Nam. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Trả lời phỏng vấn báo Quảng Trị, anh Lê Thanh Thắng, Tổ trưởng Tổ hợp tác thôn Đông Sơncho biết, hiện thôn có khoảng 10 hộ trồng đặc sản cây nưa với tổng diện tích khoảng gần 1 ha. Đa số các hộ đều tận dụng ruộng sản xuất 1 vụ lúa để trồng cây nưa nhằm tăng thu nhập. Nếu có có đầu ra ổn định với số lượng lớn hơn thì người dân sẽ mở rộng thêm diện tích trồng cây.
Đối với khoai nưa trồng ở tỉnh An Giang, bột thu từ củ loại cây này (người dân An Giang gọi là củ huyền) được dùng làm đồ uống, bánh và mì sợi. Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều người dân đã trồng nưa cùng mía và lúa để tăng thêm thu nhập. Nhiều người trẻ đã tận dụng các sản phẩm từ cây nưa kết hợp với du lịch trải nghiệm, ẩm thực để khởi nghiệp.