Phát hiện chấn động của tàu NASA trước khi “chết” ở sao Hỏa

  •  
  • 1.729

Dữ liệu mà tàu NASA để lại có thể giải thích vì sao sao Hỏa, một hành tinh vốn phù hợp với sự sống y như Trái đất, lại bị chết dần.

Trong hai nghiên cứu mới phân tích di sản của InSight - tàu đổ bộ của NASA, đã ngừng hoạt động tháng 12-2022 - nhóm khoa học gia Mỹ đã phát hiện ra một lớp silicate gần như nóng chảy chưa từng biết đang bao bọc quanh lõi của sao Hỏa.

Phát hiện mới góp phần lý giải bí ẩn vì sao Hệ Mặt trời sinh ra tới 3 hành tinh phù hợp với sự sống, nhưng ngày nay chỉ có Trái đất dồi dào sinh vật.

Ảnh đồ họa mô tả cấu trúc sao Hỏa với tàu NASA đang đo địa chấn bên trên
Ảnh đồ họa mô tả cấu trúc sao Hỏa với tàu NASA đang đo địa chấn bên trên, con tàu đã "chết" năm 2022 do bị bão bụi sao Hỏa phủ lấp các mảng năng lượng Mặt trời - (Ảnh: IPGP-CNES).

Sao Hỏa cùng với Trái đất và sao Kim là ba hành tinh đá có kích thước gần bằng nhau, cùng nằm trong vùng Goldilocks (vùng sự sống) của Hệ Mặt trời, nơi mà khoảng cách giữa chúng với sao mẹ tạo điều kiện cho một môi trường thuận lợi, nhiệt độ phù hợp để có nước lỏng.

Sao Kim trải qua một quá trình tiến hóa hành tinh không may mắn, khiến nó trở thành một thế giới nhà kính ngột ngạt, nóng bỏng, quay cực chậm.

Lịch sử sao Hỏa phức tạp hơn: Qua các bằng chứng mà NASA thu thập trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học tin chắc thế giới này từng là "hành tinh xanh" giống Trái đất, với đại dương, sông hồ... tương tự.

Thậm chí NASA tin tưởng các thung lũng sông cổ đại ở sao Hỏa từng tràn ngập đến nỗi đã gửi nhiều tàu đổ bộ săn tìm dấu vết sinh vật đến đó.

Vì sao hành tinh đỏ trở thành thế giới khô cằn, khắc nghiệt ngày nay là một bí ẩn lớn.

Vào năm 2021, một phân tích dữ liệu địa chấn của InSight cho thấy cấu trúc sao Hỏa khá giống Trái đất, bao gồm một lõi lớn mật độ thấp chứa sắt lỏng và các nguyên tố nhẹ hơn như lưu huỳnh, carbon, oxy và hydro.

Tuy nhiên, những kết quả này cho thấy lõi có tỉ lệ các nguyên tố nhẹ cao hơn mức khả thi.

Phân tích mới cho thấy, sự bất hợp lý này là do một lớp đá silicate gần như nóng chảy dày khoảng 150km, phần trên của lớp này trước đây bị hiểu sai là bề mặt của lõi.

Giáo sư Vedran Lekic từ Đại học Maryland, trưởng nhóm nghiên cứu, mô tả lớp đá silicate này như một chiếc chăn bọc quanh lõi, cách nhiệt từ lõi, ngăn nó nguội đi, đồng thời tập trung các nguyên tố phóng xạ mà sự phân rã của chúng tạo ra nhiệt.

"Khi điều đó xảy ra, lõi không thể tạo ra các chuyển động đối lưu cần thiết để tạo nên từ trường. Điều này giải thích vì sao sao Hỏa hiện không có từ trường hoạt động quanh nó" - Giáo sư Lekic giải thích.

Từ quyển trên Trái đất là lớp áo giáp bảo vệ chúng ta và mọi kết cấu trên hành tinh khỏi các tia vũ trụ khắc nghiệt. Việc thiếu đi từ trường chính là nguyên nhân sao Hỏa bị tổn thương, mất hết nước trên bề mặt và ngăn cản sự sống tiếp tục duy trì.

"Sự khác biệt giữa Trái đất và sao Hỏa có thể là do khác biệt về cấu trúc bên trong và con đường tiến hóa hành tinh khác nhau" - GS Lekic kết luận, một kết luận nhấn mạnh địa cầu đã may mắn như thế nào trên chặng đường tiến hóa và cho chúng ta cơ hội tồn tại.

Cập nhật: 30/10/2023 NLĐ
  • 1.729