Phát hiện dấu tích văn hóa Sa Huỳnh ở vùng núi Quảng Nam

  •   22
  • 890

Trái với nhận định của một số nhà khoa học người Pháp cho rằng: Văn hóa Sa Huỳnh chỉ có ở đồng bằng ven biển, mới đây những cán bộ ngiên cứu của Trường Đại học KHXH & NV- Đại học Quốc gia đã có thêm những bằng chứng chứng minh cho sự có mặt của người Chăm Pa cổ ở vùng núi cao tỉnh Quảng Nam, với những dấu tích điển hình của văn hóa Sa Huỳnh.

Từ một ngôi mộ chum phát lộ bên khe suối Chánh ở thôn 8, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam năm 1998, người dân địa phương đã tìm thấy trong đó những vật dụng chôn kèm như nồi đất, dụng cụ kim khí và đồ trang sức bằng mã não.

Đồ trang sức bằng đá quý (nephrite) đặc trưng cho văn hoá Sa Huỳnh tìm thấy ở Gò Mun
(Ảnh: VietSciences)

Khuyên tai hình hai đầu thú (loài nai muntjac ở VN thời tiền sử)
Khuyên tai hình hai đầu thú (loài nai muntjac ở VN thời tiền sử)

Khuyên tai đẽo thành nhiều (hai đến bốn) mũi nhọn
Khuyên tai đẽo thành nhiều (hai đến bốn) mũi nhọn

Hạt chuỗi bằng thuỷ tinh cristal trong suốt (có lẽ xỏ xâu đeo)
Hạt chuỗi bằng thuỷ tinh cristal trong suốt (có lẽ xỏ xâu đeo)

Chum táng đặc trưng Sa Huỳnh bằng đất nung. Hình cho thấy chum đang phát hiện, còn chôn trong đất, phần miệng bị bể, bên trong có vật táng.
Chum táng đặc trưng Sa Huỳnh bằng đất nung. Hình cho thấy chum đang phát hiện, còn chôn trong đất, phần miệng bị bể, bên trong có vật táng.

Theo các nhà khoa học, đây là dấu hiệu của nền văn hóa Sa Huỳnh lần đầu tiên được phát hiện ở vùng núi Quảng Nam. Đầu tháng 7 năm nay, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với khoa Lịch sử, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia chính thức tổ chức đợt khai quật khu di tích này.

Ông Nguyễn Chiều - Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia cho biết: "Thường thì những di tích khác người ta chôn khá tập trung, và qua các ngôi mộ có thể biết được mật độ dân số và thời gian cư trú; còn ở đây suốt mấy tuần nay kết quả chưa nhiều, nhưng qua đó có thể biết được đây là nơi bà con sống thời gian ngắn với số dân không nhiều, cư dân thời đại kim khí thường ở phía Đông, chôn ở phía Tây. Nếu vùng này là nơi chôn thì ngày xưa các cụ có thể ở vùng phía Đông, nơi cái rẻo đông đúc của thôn 8 này. Đây là địa điểm văn hóa Sa Huỳnh có thời gian tồn tại gần 2000 năm".

Những di chỉ dù đã nát vụn nhưng vẫn gợi cho các nhà nghiên cứu nhớ về một nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ tồn tại suốt nhiều thế kỷ trên dải đất miền Trung Việt Nam; và cuộc khai quật lần này hướng tới mục đích là tìm hiểu, nghiên cứu mật độ phân bố của văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng; đồng thời tìm hiểu những nét văn hóa của người Chăm Pa sinh sống ở vùng núi cao có gì khác biệt với người Chăm Pa sinh sống ở vùng đồng bằng ven biển.

Việc khai quật, nghiên cứu mới chỉ bắt đầu, kết quả tìm được cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, từ những tư liệu khảo cổ học tìm thấy dưới lòng đất, đã xác nhận những cư dân Chăm Pa đã từng đến sinh sống ở vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam; và rõ ràng trong tiến trình lịch sử của mình, Tiên Phước từng là địa bàn cư trú của cư dân Chăm Pa từ niên đại thứ 5 - 6 Trước Công Nguyên, với mật độ dân số thấp và định cư không lâu vì địa hình khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Theo VTV
  • 22
  • 890