Trên bản đồ thế giới, biển Đỏ (hay còn gọi là Hồng Hải) dài 2.250km, nhưng chỉ rộng 355km ở điểm rộng nhất. Biển Đỏ hầu như không giống một đại dương. Một lưu vực đại dương mới, mặc dù vẫn còn hẹp, đang thực sự hình thành giữa châu Phi và bán đảo Ả Rập. Chính xác độ trẻ của nó và liệu nó có thể thực sự được so sánh với các đại dương trẻ khác trong lịch sử Trái đất hay không đã là vấn đề tranh cãi trong giới khoa học địa chất trong nhiều thập kỷ.
Vấn đề là lớp vỏ đại dương mới hình thành dọc theo đường nứt hẹp, thẳng hàng theo hướng Bắc - Nam bị vùi lấp rộng rã dưới một lớp muối và trầm tích dày. Điều này làm phức tạp các cuộc điều tra trực tiếp.
Cấu trúc đáy biển Đỏ cho thấy nó là một đại dương đang hình thành - (Ảnh: GEOMAR).
Trên tạp chí quốc tế Nature Communications , các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Đại dương GEOMAR Helmholtz, Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah ở Thuwal (Ả Rập Xê-út) và Đại học Iceland hiện đã công bố một nghiên cứu mới cho thấy, biển Đỏ khá trưởng thành và có một quá trình tiến hóa đại dương gần như cổ điển.
Tiến sĩ Nico Augustin từ GEOMAR, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, lần đầu tiên chúng tôi có thể chứng minh rằng các cấu trúc ở biển Đỏ là điển hình cho một lưu vực đại dương trẻ nhưng đã phát triển đầy đủ”.
Ngoài thông tin từ bản đồ đáy biển có độ phân giải cao và điều tra hóa học của các mẫu đá, nhóm nghiên cứu chủ yếu sử dụng dữ liệu trọng lực và động đất để phát triển một mô hình kiến tạo mới của lưu vực biển Đỏ.
Các dị thường trọng lực đã giúp phát hiện các cấu trúc ẩn dưới đáy biển như trục rạn nứt, đứt gãy biến đổi và núi sâu dưới đáy biển ở các khu vực khác, ví dụ như ở Vịnh Mexico, biển Labrador hoặc biển Andaman.
Các tác giả của nghiên cứu hiện tại đã so sánh các mô hình trọng lực của trục biển Đỏ với các rặng núi giữa đại dương có thể so sánh được và tìm thấy nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt. Ví dụ, họ đã xác định được các dị thường trọng lực dương chạy vuông góc với trục rạn nứt gây ra bởi sự thay đổi độ dày của lớp vỏ chạy dọc theo trục.
“Những cái gọi là "đường mòn phân đoạn ngoài trục" này là những đặc điểm rất điển hình của lớp vỏ đại dương có nguồn gốc từ magma hoạt động mạnh hơn, dày hơn và do đó, nặng hơn các khu vực dọc theo trục. Tuy nhiên, quan sát này là mới mẻ đối với biển Đỏ", Tiến sĩ Nico Augustin nói.
Bản đồ Bathymetric cũng như dữ liệu động đất cũng hỗ trợ ý tưởng về một thung lũng rạn nứt gần như liên tục trên khắp lưu vực biển Đỏ. Điều này cũng được xác nhận qua các phân tích địa hóa đối với các mẫu đá từ một vài khu vực không bị các khối muối bao phủ.
Tiến sĩ Froukje van der Zwan, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Tất cả các mẫu chúng tôi có từ vết nứt ở biển Đỏ đều có dấu vân tay địa hóa của lớp vỏ đại dương bình thường”.
Với phân tích mới về trọng lực và dữ liệu động đất, nhóm nghiên cứu đã hạn chế thời gian bắt đầu mở rộng đại dương ở biển Đỏ vào khoảng 13 triệu năm trước.
Tiến sĩ Augustin nói: “Đó là hơn hai lần so với độ tuổi thường được chấp nhận. Điều đó có nghĩa là biển Đỏ không còn là một đại dương nhỏ, mà là một đại dương trẻ với cấu trúc tương tự như vùng nam Đại Tây Dương trẻ cách đây 120 triệu năm”.
Tác giả chính cho biết, mô hình hiện được trình bày vẫn đang được tranh luận trong cộng đồng khoa học, “nhưng đó là cách giải thích đơn giản nhất về những gì chúng ta quan sát được ở biển Đỏ. Nhiều chi tiết ở các khu vực bị bao phủ bởi muối và trầm tích mà trước đây rất khó giải thích bỗng có ý nghĩa với mô hình của chúng tôi”.
Mặc dù có thể trả lời một số câu hỏi về biển Đỏ, nhưng mô hình này cũng đặt ra nhiều câu hỏi mới truyền cảm hứng cho các nghiên cứu sâu hơn về biển Đỏ từ một góc độ khoa học hoàn toàn mới.