Phát hiện đám mây hồng bí ẩn đang sinh ra "siêu Mặt trời" mới

  •   53
  • 1.096

Theo công bố từ NASA, đám mây kỳ ảo màu hồng sáng được gọi là LHA 120-N 150, nằm trong thiên hà Large Magellanic Cloud, hàng xóm của thiên hà chứa Trái đất Milky Way.

Vật thể kỳ lạ đó không phải là một đám mây như mây ở trái đất, mà là một loại mây vũ trụ khổng lồ đầy bụi và khí, một "đám mây hình thành sao". Bên trong đám mây hồng, NASA tìm ra được hàng loạt ngôi sao non trẻ đang trong giai đoạn chào đời.

Cận cảnh đám mây hồng đang sinh ra hàng loạt sao khổng lồ
Cận cảnh đám mây hồng đang sinh ra hàng loạt sao khổng lồ - (ảnh: NASA/ESA).

Tuy non trẻ, nhưng đó là những ngôi sao khổng lồ, lớn hơn nhiều so với mặt trời của chúng ta, một dạng "siêu sao", "siêu mặt trời". Cũng như các ngôi sao khác được sinh ra trong vũ trụ, nó có thể trải qua một cuộc đời cô đơn hoặc làm sao mẹ của một hệ hành tinh như mặt trời.

Đám mây hồng bí ẩn này là một phần của Tinh vân Tarantula, một cấu trúc khổng lồ dài đến 1.000 năm ánh sáng, là "vườn ươm sao" gần trái đất nhất được biết đến, cách chúng ta 160.000 năm ánh sáng.

Theo NASA, việc phát hiện ra đám mây hồng và những đứa con khổng lồ đang ra đời của nó là cơ hội tuyệt vời cho các nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của những ngôi sao khổng lồ.

Những gì diễn ra bên trong đám mây hồng LHA 120-N 150 cũng rất mới mẻ. Theo lý thuyết thiên văn, các ngôi sao khổng lồ dạng đó nên hình thành trong các cụm sao, chứ không phải hình thành trong một đám mây lẻ, bị cô lập khỏi tinh vân chủ nhân.

Đa phần những "siêu Mặt trời" này còn trong giai đoạn mà nếu nhìn vào, bạn chỉ thấy một khối bụi khổng lồ và dày đặc, là sự pha trộn của một số vật thể sao trẻ, các loại bụi vũ trụ và cả nhiều thứ không được phân loại. Hiện các nhà thiên văn học đang phân tích kỹ hơn các hình ảnh ngoạn mục mà Hubble chụp về đám mây hồng để hy vọng tìm ra bản chất thật của những ngôi sao lớn đến không tưởng này.

Cập nhật: 23/03/2020 Theo NLĐ
  • 53
  • 1.096