Phát hiện hàng trăm dạng sống chưa từng thấy sống trong ngọn núi lửa

  •  
  • 1.090

Trên Trái đất, một số sinh vật thích nóng, một số thích lạnh và có những sinh vật khác chỉ cảm thấy như… ở nhà giữa những tia axit bỏng rát của một ngọn núi lửa dưới biển.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã khám phá một ngọn núi lửa dưới biển sâu gần New Zealand và đã tìm thấy có gần 300 vi sinh vật chưa từng được biết đến.


Một ống thủy nhiệt dưới biển sâu đổ chất lỏng núi lửa vào đại dương gần New Zealand.

Các nhà sinh vật biển đã sử dụng một robot điều khiển từ xa để hút trầm tích từ bộ sưu tập các lỗ thông hơi thủy nhiệt sâu 1.800 mét được gọi là Núi lửa Anh em, nằm cách khoảng 320 km về phía đông bắc của New Zealand.

Trong một phân tích DNA của trầm tích núi lửa, nhóm nghiên cứu đã xác định được 285 loại vi khuẩn mới khác nhau mà khoa học chưa từng biết đến trước đây. Nhóm vi khuẩn mới bao gồm 202 loài vi khuẩn mới tiềm năng và 83 loài vi khuẩn cổ (vi khuẩn đơn bào cổ đại có xu hướng sống trong môi trường khắc nghiệt).

Các loại vi khuẩn khác nhau dường như tụ tập ở các phần khác nhau của Núi lửa Anh em, tùy thuộc vào nhiệt độ và độ axit của nước xung quanh. Một số loài ưa thích các bức tường của miệng núi lửa, nơi có các ống cao tới 20m liên tục phun ra chất lỏng có nhiệt độ lên tới 320 độ C chứa đầy kim loại. Trong khi đó, các loài khác thích bơi qua khí lưu huỳnh rò rỉ từ hai gò đất lớn gần trung tâm miệng núi lửa. Nhiệt độ nước gần những gò đất lên đến 120 độ C.

Những phát hiện này được đánh giá có thể cung cấp cho các nhà nghiên cứu một công cụ khác để nghiên cứu những nơi khắc nghiệt nhất của Trái đất. Một số vi sinh vật có chung các đặc điểm di truyền nhất định dường như phát triển mạnh trong các điều kiện cụ thể ở Núi lửa Anh em nên các nhà nghiên cứu có thể suy luận rất nhiều về điều kiện môi trường sống khắc nghiệt chỉ bằng cách nghiên cứu các vi sinh vật sống ở đó.

Mircea Podar, nhà di truyền học hệ thống tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge ở Tennessee, cho biết: "Chúng tôi đang hướng tới một điểm mà vi khuẩn có thể có rất nhiều thông tin về môi trường mà chúng sinh ra. Với nhiều dữ liệu hơn, chúng tôi có thể sử dụng vi sinh để mô tả các môi trường mà các phép đo truyền thống đang gặp khó khăn trong việc thu thập".

Cập nhật: 24/01/2021 Theo Dân Trí
  • 1.090