Theo một nghiên cứu được công bố ngày 19/8, hành tinh thứ hai đã được phát hiện quay quanh Beta Pictoiris, một ngôi sao trẻ trong dải Ngân Hà của chúng ta, giúp các nhà thiên văn học hình dung một hệ hành tinh đang trong quá trình hình thành.
Nhà thiên văn học Anne-Marie Lagrange thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, cho biết: "Chúng ta đang nói về một hành tinh khổng lồ, lớn gấp 3.000 lần diện tích Trái Đất, nằm cách ngôi sao của nó gấp 2,7 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời".
Phát hiện hành tinh mới trong quỹ đạo của ngôi sao trẻ Beta Pictoiris. (Ảnh: phys.org).
Hành tinh mới có tên gọi "b Pictoris c", với quỹ đạo quay quanh ngôi sao của nó dài 1.200 ngày. Giống như người "chị" - tên là "b Pictoris b" mà Lagrange và nhóm của bà phát hiện năm 2009, "b Pictoris c" cũng là một hành tinh khí khổng lồ.
Có thể nhìn thấy bằng mắt thường, sao Beta Pictoris - có khối lượng gần gấp đôi Mặt Trời - là một ngôi sao trẻ mới 23 triệu năm tuổi. Mặt Trời của chúng ta đã tồn tại hơn 4,5 triệu năm. Sao Beta Pictoris cũng ở tương đối gần, chỉ cách hơn 63 năm ánh sáng và được bao quanh bởi một đĩa bụi sao. Quầng xoáy ốc bụi và khí này là hình dạng đầu tiên chụp được, khiến sao Beta Pictoris trở nên nổi tiếng trong những năm 1980. Nằm ở phía Nam chòm sao Pictor, Beta Pictoris là ngôi sao sáng thứ hai trong chòm sao này.
Theo bà Lagrange, để hiểu rõ hơn về giai đoạn đầu hình thành và phát triển, đây có thể là "hệ thống hành tinh tốt nhất mà chúng ta biết". Các quan sát cho thấy hai hành tinh trên vẫn đang trong quá trình hình thành.
"B Pictoris b" được phát hiện sau khi phân tích các dữ liệu có độ phân giải cao trong gần 10 năm bằng các thiết bị tại Đài quan sát La Silla ở miền Bắc Chile.
Năm 2014, các nhà khoa học cho biết hành tinh "b Pictoris b" quay tròn với tốc độ nguy hiểm khoảng 25km/giây (tức là 90.000km/h).