Phát hiện hệ hành tinh giống hệ mặt trời

  •  
  • 3.291

Ngày 18/5, nhờ quan sát bằng kính viễn vọng quang phổ (HARPS) đặt tại La Xinla (Chile), lần đầu tiên một nhóm các nhà khoa học châu Âu đã phát hiện một hệ hành tinh giống hệ Mặt Trời của chúng ta nhất từ trước tới nay.

Hệ hành tinh này gồm một ngôi sao ký hiệu HD 69830 với 3 hành tinh quay quanh.

Ngôi sao ký hiệu HD 69830 với 3 hành tinh quay quanh (Nguồn: Solstation)

Ngôi sao HD 69830 có kích thước gần bằng Mặt Trời, nằm cách Trái Đất 41 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Thuyền Vĩ và thuộc cấp sao biểu kiến 5,95 nên có thể quan sát được bằng mắt thường.

Sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện sự hiện diện của 3 hành tinh đồng hành quay quanh sao HD 69830 với các thời gian tương đương 9 ngày; 32 ngày và 197 ngày.

3 hành tinh đồng hành quay quanh sao HD 69830 (Nguồn: Solstation)

Do tốc độ quay của các hành tinh này chỉ từ 2-3 mét/giây (tương đương tốc độ của người đi bộ, khoảng 9km/h), nên những thay đổi này rất khó phát hiện bằng những kính viễn vọng quang phổ thông thường.

Chính vì vậy, các nhà khoa học đã gọi kính HARPS là "cỗ máy săn hành tinh chính xác nhất thế giới".

Theo các kết quả nghiên cứu, hành tinh ở vị trí gần nhất so với ngôi sao HD 69830 có thành phần cấu tạo chủ yếu là đá, hành tinh ở giữa được tạo nên bởi khí và đá, trong khi hành tinh ngoài cùng có thể được hình thành từ băng đá, có nước và là nơi có thể có sự sống.

Nguồn: Solstation

Theo TTXVN
  • 3.291