Các nhà khoa học đã tìm thấy một cụm hồ nước thông nhau có hình dáng uốn khúc, chứa đầy cacbon dioxide (CO2), trong miệng núi lửa Santorini dưới đáy biển Aegea thuộc Địa Trung Hải.
Sử dụng các phương tiện dưới nước, đội khoa học quốc tế đã phát hiện cụm hồ trong miệng núi lửa Santorini, từng phun trào và nhấn chìm nền văn minh của người Minoan dưới đáy biển Aegea vào năm 1.600 trước Công nguyên. Họ đã đặt cho cụm hồ tên gọi Kallisti Limnes, có nghĩa là “những hồ nước đẹp nhất” trong tiếng Hy Lạp.
Đội lặn trên tàu R/V Aegaeo đã chuẩn bị một thiết bị tự động dưới nước mang tên Girona 500. Nhóm nghiên cứu sử dụng Girona 500 cùng với máy đo khối phổ để xác định các lớp nước chứa đặc tính hóa học bất thường trong lòng biển.
Đội lặn đưa Girona 500 xuống dưới biển Aegea. Dữ liệu thu được đã hé lộ những hồ cacbon dưới đáy biển.
Bản đồ địa hình vùng biển Aegea với hình phóng chi tiết quang cảnh từ phía tây nam miệng núi lửa Santorini.
Một rãnh nước chạy qua thảm vi sinh vật, kéo dài từ hồ cacbon ở độ sâu 250 mét.
Nằm ở độ sâu 235 mét dưới mặt biển là những hồ nước ấm rộng từ 1 đến 2 m. Theo các nhà nghiên cứu, hình dáng uốn khúc của các hồ và rãnh nước cho thấy có một dòng hải lưu chảy chậm và tương đối ổn định dưới ảnh hưởng của trọng lực.
Các hồ nước có màu ngũ sắc do những tinh thể giàu silicon và chất sắt trong thảm vi sinh vật ở đó. Hình dáng tinh thể cho thấy chúng được tạo ra bởi các vi khuẩn sử dụng chất sắt như một nguồn năng lượng.