Phát hiện hổ phách kiến chết kẹt cùng nấm ký sinh 50 triệu năm

  •  
  • 596

Mảnh hổ phách lưu giữ xác kiến thợ mộc cùng một loài nấm ký sinh mọc ra từ phía sau thay vì đầu hay cổ như thông thường.

Xác kiến thợ mộc cùng nấm ký sinh trong mảnh hổ phách ở Baltic.
Xác kiến thợ mộc cùng nấm ký sinh trong mảnh hổ phách ở Baltic. (Ảnh: George Poinar Jr./OSU).

Các nhà nghiên cứu phát hiện mảnh hổ phách 50 triệu năm tuổi ở vùng Baltic, châu Âu, chứa xác kiến thợ mộc cùng nấm ký sinh mọc ra từ trực tràng, Cnet hôm 23/6 đưa tin. Hổ phách là nhựa cây hóa thạch, cung cấp cho giới khoa học nhiều thông tin giá trị về quá khứ.

Phát hiện mới là mẫu vật cổ xưa nhất về nấm ký sinh trên kiến, theo George Poinar Jr., chuyên gia về hổ phách tại Đại học Bang Oregon (OSU), tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Fungal Biology. Ông từng nghiên cứu xác lợn khuôn 30 triệu năm tuổi và xác côn trùng 100 triệu năm tuổi mắc kẹt trong hổ phách.

Cận cảnh nấm ký sinh mọc ra từ phía sau kiến thợ mộc.
Cận cảnh nấm ký sinh mọc ra từ phía sau kiến thợ mộc. (Ảnh: George Poinar Jr./OSU).

Nấm ký sinh cũng là một loài mới, thuộc chi nấm hoàn toàn mới. Nó có điểm giống với các loài nấm chuyên tấn công kiến đã biết, nhưng việc nó mọc ra từ phía sau thay vì cổ hay đầu là một trong những đặc điểm khiến các nhà nghiên cứu xác định đây là phát hiện chưa từng có. Họ đặt tên cho loài nấm này là "Allocordyceps baltica" theo nguồn gốc địa lý.

"Đây là hóa thạch đầu tiên cho thấy một thành viên thuộc bộ nấm Hypocreales mọc ra từ cơ thể kiến. Đây cũng là mẫu vật cổ xưa nhất về việc nấm ký sinh trên kiến. Vì thế, nó có thể được dùng làm mốc tham chiếu về nguồn gốc của mối quan hệ nấm - kiến trong các nghiên cứu sau này", Poinar nhận định.

Cập nhật: 26/06/2021 Theo VnExpress
  • 596