Phát hiện hóa thạch 52 triệu năm tuổi của sinh vật kì lạ

  •   47
  • 3.937

Các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch có niên đại từ thế Thủy Tân (khoảng 56 triệu năm trước cho tới 34 triệu năm trước) của một loại côn trùng ký sinh. Theo đánh giá đây là một hóa thạch rất có giá trị đối với việc giải mã những bí ẩn cổ đại.

Được biết, hóa thạch 52 triệu năm tuổi mới được phát hiện là hóa thạch của một loài bọ cánh cứng “yêu kiến”. Nó được coi là bằng chứng cổ xưa nhất về sự xuất hiện của loài côn trùng ký sinh xã hội này, một nghiên cứu cho biết.

Giống như những họ hàng ngày nay của chúng, bọ cánh cứng cổ đại có thể là một loài ưa kiến, phụ thuộc vào kiến để có thể tồn tại. Loài này có thể đã cùng chung sống với kiến và hưởng lợi từ chúng bằng cách ăn trứng kiến hay chiếm dụng những nguồn tài nguyên của kiến.

Theo các nhà nghiên cứu, hành vi này của các loài bọ cánh cứng và bướm là một hiện tượng tiến hóa cổ đại. Tuy nhiên, do chất lượng các mẫu hóa thạch không tốt, nên việc xác định niên đại và quá trình hình thành hành vi này gặp rất nhiều trở ngại.

Phát hiện hóa thạch 52 triệu năm tuổi của sinh vật kì lạ

Có khoảng 370 loài bọ cánh cứng thuộc nhóm Clavigeritae – những con bọ ưa kiến có chiều dài từ 1 đến 3mm. Nhà nghiên cứu, chuyên gia về bọ cánh cứng Joseph Parker, thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, đồng thời là nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Đại học Columbia, cho rằng vẫn còn nhiều loài côn trùng ưa kiến chưa được khám phá.

“Những phát hiện không chỉ cho chúng ta hiểu thêm về các loài bọ cánh cứng, mà còn nói lên rất nhiều điều về loài kiến. Tổ của chúng phải đủ lớn và nhiều tài nguyên để khiến những loài bọ tập trung tiến hóa nhằm khai thác tổ kiến", Parker nhận định. “Và khi loài kiến bùng nổ về mặt sinh thái và bắt đầu chiếm ưu thế, thì các loài bọ này bị tiêu diệt".

Bọ cánh cứng cổ đại sử dụng những chiến lược hết sức tinh vi nhằm qua mặt những con kiến ngay trong tổ. Kiến chủ yếu dựa vào kích thích tố để nhận ra kẻ xâm nhập, và bằng một cách thức bí ẩn nào đó, bọ cánh cứng Clavigeritae đã vượt qua được hệ thống cảm nhận mùi này và tham gia vào cuộc sống trong tổ kiến.

“Thích nghi được với cuộc sống trong tổ kiến mang lại nhiều lợi ích", Parker cho biết. “Những con bọ này sinh sống trong môi trường khí hậu được kiểm soát bên trong tổ, tránh xa khỏi kẻ thù và có thể tiếp cận với rất nhiều thức ăn, trong đó bao gồm cả trứng kiến. Đáng kể nhất là lượng thức ăn lỏng được các con kiến thợ nhả trực tiếp vào miệng chúng".

Phát hiện hóa thạch 52 triệu năm tuổi của sinh vật kì lạ

Không chỉ vậy, những con bọ còn phải thay đổi hình dạng để hòa nhập vào đàn kiến. Bọ Clavigeritae trông không giống những họ hàng của nó một chút nào. Các phân đoạn bụng và ăng-ten của chúng được hợp nhất, bảo vệ chúng khỏi những con kiến thợ bị lừa phải đưa chúng đi quanh tổ. Cuối cùng, kiến thợ đưa con bọ tới khu nuôi ấu trùng, nơi lũ bọ tha hồ ăn trứng và nhộng kiến.

Gặp được loài bọ Clavigeritae trong tự nhiên là một việc hiếm khi xảy ra. Vì thế, hóa thạch vừa được phát hiện (mang tên Protoclaviger trichodens), là một khám phá rất có giá trị. Đây có thể là hóa thạch đầu tiên được phát hiện của nhóm sinh vật này.

Đây là một hóa thạch hổ phách được thu thập từ khu vực trước đây từng là một khu rừng nhiệt đới phong phú ở Ấn Độ.

Phát hiện hóa thạch 52 triệu năm tuổi của sinh vật kì lạ

Nghiên cứu hóa thạch, các nhà khoa học phát hiện côn trùng ký sinh cổ đại này giống như bọ cánh cứng Clavigeritae hiện đại, nhưng hai râu hình móc trên bụng chúng cho thấy tính cổ đại của loài này. Ngoài ra, đốt bụng của Protoclaviger vẫn tách biệt, không hợp nhất như loài bọ ngày nay.

“Protoclaviger là một hóa thạch đáng lưu ý", Parker nhận định. “Nó đánh dấu một bước tiến lớn dọc theo con đường tiến hóa dẫn tới những loài ký sinh xã hội ngày nay, giúp chúng ta tìm hiểu về chuỗi sự kiện đã dẫn đến hình thái tinh vi này".

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Tiền Phong
  • 47
  • 3.937