Phát hiện hóa thạch khủng long bọc giáp đầu gai ở Mỹ

  •  
  • 1.043

Chiếc đầu bọc giáp phủ đầy gai nhọn của con khủng long dài gần 5 mét khai quật ở Utah, Mỹ, hé lộ tổ tiên nó đến từ châu Á.

Các nhà cổ sinh vật học tỏ ra bối rối khi lần đầu khai quật hóa thạch khủng long bọc giáp đầu đầy gai nhọn ở bang Utah, Mỹ, theo Live Science. Phần lớn khủng long bọc giáp Bắc Mỹ có lớp giáp bằng chất sừng trơn nhẵn phủ quanh đầu. Tuy nhiên, mẫu vật phát hiện ở Utah có chiếc đầu phủ gai giống khủng long bọc giáp châu Á hơn.


Nhóm nghiên cứu phục dựng hóa thạch khủng long bọc giáp ở Utah. (Video: Live Science).

Phân tích mới chỉ ra tổ tiên của loài khủng long bọc giáp tên Akainacephalus johnsoni sinh sống cách đây 76 triệu năm di cư tới Bắc Mỹ khi mực nước biển giữa các lục địa ở mức thấp. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí PeerJ hôm qua.

Nhóm nghiên cứu tìm thấy hóa thạch A. johnsoni tại Đài tưởng niệm quốc gia Grand Staircase-Escalante ở phía nam bang Utah năm 2008. Dù nhiều bộ phận của con khủng long dài 4,8 mét còn thiếu, các nhà khoa học thu thập được hộp sọ hoàn chỉnh, nhiều mảnh giáp, xương cột sống và xương tứ chi, cùng phần đuôi và chùy đuôi trong tình trạng gần như nguyên vẹn. Tên của nó được đặt theo tình nguyện viên Randy Johnson ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Utah, người có công sửa soạn hộp sọ.

Khủng long bọc giáp Akainacephalus johnsoni mới được phát hiện.
Khủng long bọc giáp Akainacephalus johnsoni mới được phát hiện.

Tên loài Akainacephalus mô tả hộp sọ đặc trưng của con khủng long, ghép từ hai từ trong tiếng Hy Lạp là "akaina" "cephalus" có nghĩa tương ứng là "gai" "đầu". Chúng khớp với một nhánh trên cây tiến hóa của khủng long bọc giáp. Chúng có nguồn gốc từ châu Á trong khoảng 110 - 125 năm trước ở kỷ Phấn Trắng. Mãi tới cách đây 76 triệu năm, chúng mới bắt đầu xuất hiện ở Bắc Mỹ.

Bộ giáp dễ phân biệt của A. johnsoni rất giống với khủng long bọc giáp Nodocephalosaurus kirtlandensis ở bang New Mexico. Nhưng dù hai loài đều được tìm thấy ở tây nam nước Mỹ, chúng có vẻ gần với khủng long bọc giáp châu Á (Saichania và Tarchia) hơn là các loài tương tự ở Bắc Mỹ (Ankylosaurus và Euoplocephalus). Mực nước biển hạ thấp tạm thời ở cầu đất liền Bering có thể đã cho phép khủng long bọc giáp châu Á di cư tới Bắc Mỹ vào cuối kỷ Phấn Trắng, theo trưởng nhóm nghiên cứu Jelle Wiersma.

Cập nhật: 20/07/2018 Theo VNE
  • 1.043