Phân tích mẫu vật ruồi hóa thạch hiếm ở Đức cho thấy sinh vật tiền sử chết với "cái bụng căng phồng" chứa đầy phấn hoa.
"Hàm lượng phấn hoa phong phú mà chúng tôi tìm thấy trong bụng của ruồi hóa thạch cho thấy loài côn trùng này đã đóng một vai trò quan trọng vào sự phát tán phấn hoa ở nhiều loại thực vật khác nhau từ cách đây 47 triệu năm", nhà cổ sinh vật học Fridgeir Grimsson tại Đại học Vienna của Áo, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh.
Hóa thạch ruồi chứa đầy phấn hoa trong bụng được tìm thấy ở Đức. (Ảnh: Senckenberg).
Mẫu vật ruồi "chết no" được Grimsson cùng các cộng sự tìm thấy tại hố Messel, một điểm nóng hóa thạch ở Đức được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Thế giới như là địa điểm lý tưởng nhất để tìm hiểu môi trường sống trong thế Thủy Tân (57 - 36 triệu năm trước).
"Khu vực này từng là nơi có mỏ đá phiến dầu, nhưng giờ đây là đối tượng nghiên cứu khoa học cho nhiều hóa thạch động vật được bảo quản tốt", Grimsson cho biết thêm.
Nhóm nghiên cứu đã lấy các hạt phấn hoa từ hóa thạch ruồi để phân tích dưới kính hiển vi điện tử và xác định được nguồn gốc của chúng hầu hết đến từ cây thường xuân và liễu nước. Phát hiện này cho thấy mẫu vật có thể đã chết trong lúc kiếm ăn xung quanh một khu vực nước nông.
Ruồi bị nhiều người coi là mối phiền toái nhưng chúng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ sinh thái. Grimsson tin rằng trong thế Thủy Tân, loài côn trùng này chiếm ưu thế hơn ong như một loài thụ phấn.
Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Current Biology hôm 10/3.