Tại bang Victoria, Australia, các nhà khảo cổ phát hiện hoá thạch của một loại khủng long cổ dài, được cho là tiến hoá thành loại ăn thực vật từ tổ tiên ăn thịt của chúng.
Theo Guardian, một người họ hàng của khủng long T-rex và Velociraptor với cái cổ dài bất thường đã được phát hiện ở Australia. Các nhà khoa học cũng cho rằng loài khủng long này từng là động vật ăn thịt nhưng sau đó tiến hoá thành loại ăn thực vật.
Elaphrosaur là một thành viên của gia đình các loài khủng long theropod, bao gồm các loài săn mồi. Nó đứng bằng 2 chân sau, cao khoảng 2 mét và có tay ngắn với 4 ngón ở bàn tay.
Ảnh phục dựng loài khủng long mới.
Ông Stephen Poropat, người đang làm việc tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne, đứng đầu nghiên cứu và cho biết elaphrosaur là loài thực sự quý hiếm, với chỉ 3 loài được phát hiện ở Trung Quốc, Tanzania và Argentina.
"Đây là lần đầu tiên chúng được phát hiện ở Australia", ông Propat cho biết.
Ông Steve Brusatte, nhà nghiên cứu cổ sinh học tại Đại học Edinburgh, cho biết elaphrosaur là loài ít được biết đến và nghiên cứu do có quá ít hoá thạch của chúng được phát hiện. Giới khoa học cho rằng chúng chạy nhanh, lanh lẹ, có cái cổ dài và chuyển từ loài ăn thịt thành loài ăn thực vật.
Mẫu hoá thạc đốt sống cổ của loài elaphrosaur được phát hiện ở Australia. (Ảnh: Bảo tàng Melbourne).
Theo phát hiện mới được công bố trên tạp chí khoa học Gondawana Research, hoá thạch duy nhất của loài này ở Australia là một đốt sống duy nhất - được tìm thấy ở bãi khai quật gần mũi Otway, cách Melbourne 3 giờ lái xe.
Thay vì khai quật trên các bãi cát như thường lệ, các nhà khoa học tìm thấy đốt sống hoá thạch của loài elaphrosaur trên những phiến đá màu xám dọc bờ biển, nơi thường xuyên bị ngập nước.
Được tìm thấy bởi một tình nguyện viên, đốt sống dài 5 cm sau đó được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Melbourne. Dựa trên hình dạng thon dài của xương cột sống, ban đầu nó được cho là thuộc về một con thằn lằn bay thay vì một con khủng long.
Vài năm sau, một nghiên cứu sinh của trường Swinburne là Adele Pentland tới xem mẫu hoá thạch như một phần trong nghiên cứu về loài thằn lằn bay Australia, cô mới nhận ra nó thuộc về một loài vật hoàn toàn khác.
"Tôi đã nghe nói về đốt sống này trong bộ sưu tập của bảo tàng, nó được dán nhãn là đốt sống của thằn lằn bay. Nhưng đốt sống cổ của thằn lằn bay rất đặc biệt và cái này thì không như vậy", cô Pentland chia sẻ.
Vì vậy, nghiên cứu sinh và giáo sư của cô là ông Propat quay trở lại để tìm hiểu xem đốt sống này thuộc về loài loài. Sau khi xác định chúng thuộc về một loài thuộc gia đình theropod, và sau đó nhận ra những tương đồng với hoá thạch của một con Elaphrosaurus được phát hiện ở châu Phi.