Phát hiện loài lươn có cú phóng điện mạnh 850 volt

  •  
  • 1.678

Với 850 volt trong một cú phóng điện, loài lươn mới phát hiện tại Amazon có thể khiến con mồi lìa đời khi chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Phát hiện mới này sẽ giúp ích rất nhiều trong nghiên cứu y học và điện khí hóa.

Một số loài động vật như lươn, cá đuối, cá mũi voi... từ lâu được biết đến với khả năng phóng điện sinh học, tạo ra các xung điện đẩy qua nước để gây sốc cho con mồi hoặc tự vệ. Nổi bật nhất trong số ấy là lươn điện.

Lươn điện Electrophorus electricus
Loài lươn điện Electrophorus electricus sống ở lưu vực sông Amazon và Orinoco Peru. Con trưởng thành có thể dài 2,5m, nặng 20kg - (Ảnh: L. SOUSA).

Gọi là lươn nhưng thực chất đây là cá chình, sống chủ yếu ở lưu vực sông Amazon tại những vùng nước ít oxy. Các nhà khoa học từng xác định một con lươn điện có thể phóng ra 650 volt điện khi săn mồi hoặc gặp kẻ thù, nhưng mới đây họ phát hiện ra một loài lươn mới có cú phóng mạnh nhất trong các loài động vật.

Trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian cho biết họ đã nghiên cứu, phân tích DNA, kiểm tra sự phân bố địa lý - sinh thái của lươn điện và nhận ra không chỉ có một mà có tới ba loài lươn khác nhau. Đó là Electrophorus Electricus, Electrophorus varii Electrophorus voltai.

Trong đó loài lươn Electrophorus voltai có thể tạo ra cú phóng điện mạnh nhất trong tất cả, đạt 850 volt. Đây là sự phóng điện sinh học lớn nhất do động vật tạo ra từng được ghi nhận.

Ba loài lươn này được tách ra từ một tổ tiên chung trong thời kỳ Miocene và Pliocene (2,3 - 2,5 triệu năm trước). Các nhà khoa học tin rằng Electrophorus voltai điện áp cao hơn chính là một sự thích nghi với môi trường vùng nước cao, dẫn điện kém.

Tiến sĩ C. David de Santana (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian) cho biết việc phát hiện ra loài lươn điện này có thể cung cấp những kiến thức mới hữu ích cho ngành điện khí hóa và y học.

Hiện nay, các nhà khoa học thế giới vẫn đang nghiên cứu cơ chế phóng điện của lươn để chế tạo pin nuôi các thiết bị cấy ghép.

"Lươn có thể có các enzyme khác nhau, các hợp chất khác nhau có thể được sử dụng trong y học hoặc có thể truyền cảm hứng cho công nghệ mới", Tiến sĩ C. David de Santana nói.

Cập nhật: 12/09/2019 Theo Tuổi Trẻ
  • 1.678