Phát hiện loài mang lớn hiếm ở khu bảo tồn Sao La

  •  
  • 4.237

Ngày 23/10, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên-Huế Lê Ngọc Tuấn cho biết: Cán bộ Khu bảo tồn Sao la vừa phát hiện được hình ảnh của mang lớn (tên khoa học là Muntiacus vuquangensis) - loài thú quý hiếm đang sống ngoài tự nhiên ở khu bảo tồn Sao la.

Việc loài mang lớn và các loài thú đặc hữu khác xuất hiện trong Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên-Huế cho thấy tiềm năng về đa dạng sinh học rất lớn ở khu bảo tồn này, ghi nhận các hoạt động hiệu quả của đội tuần tra bảo vệ rừng cũng như nỗ lực của toàn thể cán bộ Khu bảo tồn trong các hoạt động bảo vệ các loài thú quý hiếm.

Phát hiện loài mang lớn hiếm ở Khu bảo tồn Sao la
Ảnh: mark kostich/kostich.com

Trên cơ sở đó, Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đang tiến hành giúp đỡ cho Ban quản lý Khu bảo tồn Sao la đặt thêm các bẫy ảnh, hy vọng sẽ thu được nhiều hơn nữa ảnh về động vật hoang dã quý hiếm xuất hiện tại đây, góp phần đa dạng giá trị sinh học độc đáo của nước ta nói chung và tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có quyết định thành lập Khu bảo tồn Sao la và mở rộng diện tích từ 12.153ha (theo văn bản thống nhất quy mô diện tích năm 2008) lên thành 15.519ha.

Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên-Huế có nhiệm vụ bảo tồn quần thể loài sao la và các loài thú móng guốc là mang lớn và mang Trường Sơn, bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu và quý hiếm khác, bảo tồn các loài, nguồn gene và các sinh cảnh.

Sau khi thành lập, khu bảo tồn đã được khoanh vùng bảo vệ với các phân khu chức năng riêng biệt, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ.

Đặc biệt, Khu bảo tồn bao gồm diện tích rừng nguyên sinh tự nhiên còn sót lại khu vực trung Trường Sơn. Đây là một trong những nơi có độ đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực và trên toàn thế giới, là ngôi nhà của các loài thú quý hiếm và đặc hữu như: sao la, mang Trường Sơn, mang lớn, thỏ vằn và rất nhiều loài động thực vật khác của trung Trường Sơn.

Theo TTXVN/Vietnam+
  • 4.237