Phát hiện mảnh vỏ Trái đất 4 tỷ năm tuổi bên dưới Australia

  •  
  • 278

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Curtain phát hiện bằng chứng về một mảnh vỏ Trái đất rộng 100.000km2 nằm dưới bang Tây Australia.

 Một trong những bãi biển nhóm nghiên cứu lấy mẫu vật ở Tây Australia.
Một trong những bãi biển nhóm nghiên cứu lấy mẫu vật ở Tây Australia. (Ảnh: Đại học Curtin)

Các nhà khoa học sử dụng nhiều manh mối khác nhau để xác định có gì bên dưới bề mặt Trái đất mà không cần đào xới, bao gồm bắn tia laser mỏng hơn sợi tóc người vào khoáng chất tìm thấy trong cát biển. Kỹ thuật này được sử dụng trong nghiên cứu mới hé lộ sự tồn tại của một mảnh vỏ Trái đất 4 tỷ năm lớn cỡ Ireland đang nằm dưới bang Tây Australia và ảnh hưởng tới quá trình tiến hóa địa chất của khu vực trong hàng triệu thiên niên kỷ. Mảnh vỏ có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu Trái đất trở thành hành tinh phù hợp với sự sống như thế nào.

Nhóm nghiên cứu cho rằng sự giãn nở của lớp vỏ Trái đất ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình hình thành đá do vật liệu cũ trộn lẫn với vật liệu mới. Dường như mảnh vỏ mới tìm thấy tồn tại qua nhiều sự kiện tạo núi. "Khi so sánh phát hiện với dữ liệu hiện nay, có vẻ nhiều khu vực trên thế giới cũng trải qua mốc thời gian hình thành vỏ tương tự", trưởng nhóm nghiên cứu Maximilian Dröellner ở Đại học Curtin, Australia, cho biết. "Điều đó phản ánh thay đổi to lớn trong quá trình tiến hóa của Trái đất cách đây 4 tỷ năm sau khi mưa thiên thạch giảm bớt, lớp vỏ ổn định dần và sự sống bắt đầu hình thành".

Dröellner và cộng sự sử dụng laser làm bay hơi hạt khoáng chất zircon lấy từ mẫu cát ở những dòng sông và bãi biển tại Tây Australia. Mang tên kỹ thuật phân tích nồng độ dấu vết đa nguyên tố bằng laser, phương pháp cho phép các nhà khoa học tính niên đại hạt vật chất và so sánh với mẫu vật khác. Qua đó, nhóm nghiên cứu có thể tìm hiểu vật thể bên dưới bề mặt Trái đất ở khu vực này. Họ sẽ xác định các hạt xói mòn từ đâu, những lực tạo ra chúng và địa chất trong vùng thay đổi như thế nào theo thời gian.

Rìa của mảnh vỏ cổ đại rộng cỡ 100.000km2 tạo thành ranh giới quan trọng giúp kiểm soát những khoáng chất thiết yếu đối với kinh tế, theo nhà địa chất học Milo Barham ở Đại học Curtin. Ông nhấn mạnh việc nhận dạng tàn tích vỏ cổ xưa sẽ giúp tối ưu hóa khai thác tài nguyên bền vững.

Sự dịch chuyển của vỏ Trái đất và vận động của lớp phủ nóng bên dưới rất khó dự đoán và lập bản đồ. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Terra Nova có thể giúp các nhà khoa học khám phá hành tinh khác, như cách hành tinh hình thành, lớp vỏ ban đầu của chúng ra sao, thậm chí sự sống ngoài hành tinh ra đời như thế nào.

Cập nhật: 11/07/2022 VnExpress
  • 278