Phát hiện mới gây sửng sốt về tiếng kêu của cá voi xanh

  •  
  • 274

Các nhà khoa học mới công bố nghiên cứu mới về tiếng kêu của cá voi xanh - loài động vật bí ẩn bậc nhất hành tinh.

Các nhà khoa học tham gia chương trình Australian Antarctic mới hoàn thành nghiên cứu kéo dài 15 năm về loài cá voi xanh ở Nam cực và đã công bố các phát hiện về tiếng kêu của loài này trên trang Frontiers in Marine Science.

Cá voi xanh phát ra 3 loại tiếng kêu khác nhau.
Cá voi xanh phát ra 3 loại tiếng kêu khác nhau. (Ảnh: WDC).

Cá voi xanh là loài động vật lớn nhất trên hành tinh, có thể dài đến 30m, nhưng cũng là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao vì từng bị ngành săn bắt cá voi công nghiệp "truy sát" đến mức gần như tuyệt chủng.

Do bị đe dọa, cá voi chọn cách sống ở những môi trường rất xa, khó tiếp cận nên việc theo dõi hoạt động sống của chúng không phải điều dễ dàng, theo NDTV.

Nhà nghiên cứu Brian Miller, thành viên của chương trình Australian Antarctic, cho biết nghiên cứu mới đã làm sáng tỏ phân bố và hành vi của cá voi xanh ở Nam cực.

Phao âm
Phao âm là thiết bị được dùng để thu thập dữ liệu âm thanh của cá voi xanh. (Ảnh: Dave Allen).

Cụ thể, bằng cách sử dụng các thiết bị âm thanh thụ động gọi là phao âm (sonobuoy), các nhà nghiên cứu thu thập được gần 3.900 giờ dữ liệu âm thanh, chia thành 3 loại tiếng kêu riêng biệt do loài sinh vật này tạo ra là tiếng kêu Z, tiếng kêu Unit-A và tiếng kêu D.

Trong đó, tiếng kêu Z là âm thanh của riêng con đực, tiếng kêu Unit-A là một phần của tiếng kêu Z và được tìm thấy rất nhiều trên khắp khu vực Nam cực và cận Nam cực.

Trong khi đó, tiếng kêu D được cá nhà khoa học ví như tiếng kêu "xã hội" vì tất cả quần thể cá voi xanh, bao gồm con đực và con cái, đều phát ra âm thanh này khi đi kiếm ăn.

Nhờ phát hiện và phân loại tiếng kêu, các nhà khoa học có thể theo dõi quần thể cá voi theo thời gian. Theo đó, họ phát hiện tiếng kêu D thường phát ra vào đầu mùa kiếm ăn (mùa hè), còn tiếng kêu Z và tiếng kêu Unit-A lại thường xuất hiện vào cuối mùa hè và đầu mùa thu.

Cũng nhờ việc sử dụng phao âm, các nhà khoa học có thể lắng nghe âm thanh của cá voi, đi thuyền đến chỗ chúng sinh sống, sau đó quan sát, chụp ảnh và thậm chí lấy mẫu sinh thiết để nghiên cứu thêm.

Hiện, nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác ý nghĩa của những tiếng kêu này. Nhưng bằng cách kết hợp tiếng kêu với các dữ liệu khác, ví dụ như cảnh quay từ trên cao và thuật toán AI, họ có thể đánh giá chuyển động của cá voi xanh và những khía cạnh khác về hành vi của loài động vật này.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng hy vọng những kỹ thuật nghiên cứu mới có thể ứng dụng trong việc quan sát những tác động có thể xảy ra đối với cá voi xanh khi biến đổi khí hậu và cả tác động đối với các loài nhuyễn thể - nguồn thức ăn chính của con vật lớn nhất hành tinh.

Cập nhật: 18/05/2024 Znew
  • 274