Các nhà khoa học London đã thực hiện một nghiên cứu mới về sự tác động lên não của thuốc lắc.
Mới đây, trường ĐH Hoàng gia London (Anh) đã công bố kết quả nghiên cứu về thuốc lắc (hồng phiến) - tên khoa học là MDMA, trong việc điều trị rối loạn stress sau chấn thương, hay còn gọi là hội chứng chấn thương tâm lý.
Hồng phiến bắt đầu được sử dụng như một loại chất kích thích từ thập niên 80 của thế kỉ trước. Nó là một loại ma túy tổng hợp gây kích thích mạnh lên bộ não trung ương, gây ra tình trạng ảo giác, lo lắng, nôn nao...
Cho tới nay, hầu như vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể nào về những ảnh hưởng mà nó có thể gây ra. Vì vậy, theo các nhà khoa học, nghiên cứu mới sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) này có giá trị hết sức quan trọng.
Thuốc lắc (hay hồng phiến) là loại chất kích thích được sử dụng rộng rãi trong hơn 30 năm trở lại đây
Để kiểm tra ảnh hưởng của hồng phiến lên não bộ, 25 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu này đã được chụp não sau khi sử dụng thuốc lắc thật và một lần là sau khi sử dụng giả dược (có hình dạng và mùi vị y như thuốc lắc, nhưng không có tác dụng).
Kết quả cho thấy, thuốc lắc gây ức chế hoạt động ở hệ rìa não - phần quyết định phản ứng cảm xúc của con người. Mối liên hệ này thể hiện rõ ở dấu hiệu ức chế diễn ra nhiều hơn với những người từng trải qua các cảm xúc mạnh. Sự kết nối giữa các thùy thái dương trung gian và vỏ não trung gian trước trán để kiểm soát cảm xúc cũng giảm. Điều này sẽ phần nào giúp cho các bệnh nhân bị trầm cảm trải qua trạng thái bất an triền miên.
Khi sử dụng, thuốc lắc làm tăng sự liên lạc giữa các hạch hạnh nhân và vùng chân hải mã ở não bộ. Sau khi sử dụng hồng phiến (không phải giả dược), các tình nguyện viên đánh giá về những "ảo giác" một cách sống động, vui tươi hơn. Còn với những kí ức không vui, họ cũng đánh giá ít tiêu cực hơn.
Điều này cho thấy, hồng phiến đã gây ảnh hưởng lên phần não chi phối cảm xúc và trí nhớ - tạo nên "ảo giác" mạnh.
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy lưu lượng máu giảm ở vỏ não thị giác và hệ rìa não
Tiến sĩ Robin Carhart-Harris, người phụ trách nghiên cứu cho biết: "Hồng phiến (MDMA) làm giảm lưu lượng máu ở những vùng não ảnh hưởng tới cảm xúc và trí nhớ nên khiến người sử dụng có trạng thái hưng phấn, kích thích sau khi sử dụng thuốc”.
Một vài nhà khoa học cho rằng, kết quả về công dụng của hồng phiến trong việc điều trị lo lắng và rối loạn sau chấn thương là chưa chắc chắn, bởi nó mới được tiến hành thử nghiệm trên người khỏe mạnh. Các chuyên gia sẽ tiếp tục kiểm chứng những ảnh hưởng thực sự của hồng phiến trên các bệnh nhân để thu được kết luận chính xác nhất.
Tuy vậy, các nhà khoa học cảnh báo, dù cho nghiên cứu có đưa ra một vài lợi ích nhỏ hồng phiến đem lại cho người bị chấn thương tâm lý nhưng những tác hại và sự nguy hiểm mà người sử dụng thuốc lắc sẽ phải đối mặt thì lớn hơn rất nhiều.