Phát hiện mới về hang động huyền thoại của thành Rome

  •  
  • 1.919

Các nhà khảo cổ Ý vừa tuyên bố đã tìm ra một hang động ngầm bị chôn vùi từ lâu dưới lòng đất, theo người La-mã cổ đại, đây chính là nơi một con sói cái đã nuôi dưỡng cặp song sinh sáng lập ra thành Rome.

Hang động này được đặt tên là Lupercal (theo tiếng La-mã cổ đại có nghĩa là Thần chăn nuôi) và được phát hiện trên đồi Palatine gần phế tích cung điện Hoàng đế của triều đại AugustusCesar – thời nền văn học La- mã cổ đại rất hưng thịnh. Có chiều cao đến 8m, được trang trí bằng vỏ sò, hình khảm và đá cẩm thạch, hang động này được phát hiện trong quá trình trùng tu cung điện.

Cặp song sinh Romulus và Remus được nuôi dưỡng bởi một con sói cái.

Cặp song sinh Romulus và Remus được nuôi dưỡng bởi một con sói cái. (Ảnh: BBC News)

Theo truyền thuyết, cặp anh em song sinh Romulus và Remus đã bị bỏ rơi bên bờ sông Tiber và được nuôi dưỡng bởi một con sói cái. Tương truyền, hai người là con trai của thần Chiến tranh và nữ tu Rhea Silvia, và đã sáng lập ra thành Rome ở vùng đất Palatine năm 753 trước Công nguyên. Cuộc chiến tranh giành quyền cai quản thành phố chỉ kết thúc khi Romulus sát hại người anh em của mình là Remus.

Người La Mã cổ đại thường tổ chức một lễ hội nổi tiếng mang tên Lupercalia Ngày hội tế thần chăn nuôi” vào ngày 15 tháng hai hàng năm. Ở lễ hội này, những thanh niên thuộc tầng lớp quý tộc được gọi là Luperci (lấy theo từ lupa – nơi ở của sói) phải chạy từ Lupercal quanh phạm vi vùng Palatine, một hình thức của nghi lễ tẩy uế. Khoả thân, chỉ khoác trên người tấm da dê tế lễ, họ đánh những người phụ nữ gặp trên đường bằng những tấm da dê, một nghi thức tượng trưng cho việc tăng cường khả năng sinh sản.

“Lịch sử đầy bí ẩn”

Bộ trưởng Văn hoá Ý - ông Francesco Rutelli, trong buổi công bố phát hiện này đã phát biểu những nhà khảo cổ “có lý do để tin tưởng” rằng, hang động mới phát hiện này có thể là hang Lupercal huyền thoại: “Đây có thể là nơi chứng kiến câu chuyện huyền thoại về thành Rome, một trong những thành phố nổi tiếng nhất trên thế giới, cũng là nơi một con sói cái đã cưu mang cặp song sinh Romulus và Remus. Thành Rome và nước Ý luôn làm thế giới ngạc nhiên vì những khám phá về khảo cổ cũng như nghệ thuật nhưng thật không thể tin nổi phát hiện của chúng tôi đã biến một địa điểm chỉ có trong truyền thuyết trở thành hiện thực.”

Máy quay được đưa vào hang đã thu được hình ảnh nóc hang được trang hoàng bằng vỏ sò, hình khảm và đá cẩm thạch nhiều màu, với hình một con đại bàng trắng ở trung tâm. (Ảnh: BBC News)

Hang động cổ này được tìm thấy dưới mặt đất 16m ở một khu vực chưa từng được thăm dò trong quá trình trùng tu cung điện Hoàng đế Augustus, vị Hoàng đế đầu tiên của La Mã.

Tuy nhiên, người ta lo ngại viêc thám hiểm sâu hơn vào bên trong hang sẽ gây sập và phá hỏng khu nền của những phế tích xung quanh. Chính vì vậy, các nhà khảo cổ phải dùng đến đầu nội soi và máy quét laze để xác định hang mang hình tròn, cao 8m và có đường kính 7.5 m. Máy quay được đưa vào hang đã thu được hình ảnh nóc hang được trang hoàng bằng vỏ sò, hình khảm và đá cẩm thạch nhiều màu, với hình một con đại bàng trắng ở trung tâm.

Việc khám phá sâu hơn vào bên trong có thể sẽ phá hỏng các khu phế tích xung quanh.
Việc khám phá sâu hơn vào bên trong có thể sẽ phá hỏng các khu phế tích xung quanh. (Ảnh: BBC News)

Giáo sư Giorgio Croci, chỉ huy đội khảo cổ trùng tu khu vực Palatine phát biểu: “Mọi người có thể hình dung được sự kinh ngạc của chúng tôi, chúng tôi gần như hét lên. Rõ ràng là vua Augustus muốn dinh thự của mình phải được xây dựng trên một nơi vô cùng thiêng liêng đối với thành Rome.”

Đồi Palatine được bao phủ bởi những cung điện và các công trình kiến trúc cổ xưa khác, từ tàn tích của những công trình xây dựng ở thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên đến pháo đài Trung cổ và những ngôi làng thời Phục hưng. Một phần của khu đồi sẽ mở cửa lại cho khách tham quan vào tháng Hai năm sau theo một dự án phục chế trị giá 17,7 triệu đô-la sau nhiều thập niên phải đóng cửa vì nguy cơ sụp đổ.

Sơ đồ khu vực Palatine
Sơ đồ khu vực Palatine (Ảnh: BBC News)

Tuệ Minh

Theo BBC News
  • 1.919