Các nhà thiên văn học tìm thấy hành tinh có kích thước tương đương sao Hải Vương quay quanh ngôi sao AU Mic cách Trái đất 32 năm ánh sáng.
Sao lùn đỏ AU Mic nằm trong chòm sao Microscopium từ lâu đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học. Ngôi sao ước tính mới 20 - 30 triệu năm tuổi, trẻ hơn khoảng 150 lần Mặt trời, được bao quanh bởi một đĩa khí bụi - tàn dư còn sót lại trong quá trình hình thành sao.
Đồ họa mô phỏng sao lùn đỏ AU Mic. (Ảnh: NASA)
Các nhà thiên văn học đã theo dõi AU Mic trong hơn một thập kỷ qua để tìm kiếm dấu hiệu của ngoại hành tinh và cuối cùng cũng đạt được mục đích, theo công bố trên tạp chí Nature hôm 24/6.
Nhờ dữ liệu từ bộ đôi kính viễn vọng không gian TESS và Spitzer của NASA, nhóm nghiên cứu do Giáo sư trợ lý Peter Plavchan từ Đại học George Mason của Mỹ dẫn đầu đã tìm thấy một hành tinh có kích thước lớn hơn 8% so với sao Hải Vương trong quỹ đạo xung quanh ngôi sao lùn đỏ này.
Ngoại hành tinh được đặt tên là AU Mic b nhẹ hơn Trái đất khoảng 58 lần. Nó nằm rất gần ngôi sao AU Mic và chỉ mất 8,5 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo.
Đồ họa mô phỏng ngoại hành tinh AU Mic b. (Ảnh: NASA).
"Chúng tôi nghĩ rằng AU Mic b hình thành ở xa ngôi sao chủ và sau đó di chuyển vào quỹ đạo hiện tại của nó, điều có thể xảy ra khi hành tinh tương tác với lực hấp dẫn của đĩa khí bụi xung quanh ngôi sao", đồng tác giả nghiên cứu Thomas Barclay, nhà khoa học dự án tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA cho hay.
Trong giai đoạn tiếp theo, Plavchan cùng các cộng sự muốn thực hiện nhiều quan sát hơn để tìm hiểu về bầu khí quyển của hành tinh và xác định xem liệu có khả năng tồn tại hành tinh thứ hai xung quanh ngôi sao hay không.
Nghiên cứu AU Mic sẽ cho phép các nhà khoa học hiểu hơn về quá trình hình thành và tiến hóa của những ngôi sao trẻ, cũng như cách chúng tương tác với các hành tinh trong hệ thống.