Phát hiện nhà thờ Cơ đốc cổ nhất Israel

  •  
  • 409

Một tù nhân người Israel đang dọn đống gạch vụn để xây dựng một khu trại giam mới thì phát hiện ra một bức chạm khảm tinh xảo. Các nhà khảo cổ Israel tuyên bố đó có thể là nền móng của một nhà thờ cổ xưa nhất.

Việc phát hiện ra nhà thờ ở phía Bắc thị trấn Megiddo, Israel, được các chuyên gia đánh giá là rất quan trọng vì nó có thể tiết lộ chi tiết về sự phát triển của nhà thờ thời kỳ đầu trong khu vực. Các nhà khảo cổ cho biết nhà thờ có từ thế kỷ 3, nhiều thập kỷ trước khi đạo Cơ đốc được chính thức hoá trên khắp đế chế La Mã.

"Rõ ràng đó là dấu tích nhà thờ cổ nhất ở Israel, và có khi là cả khu vực, còn có phải trên cả thế giới không thì vẫn còn quá sớm để khẳng định", Yotam Tepper, nhà khảo cổ đứng đầu, nói.

Một phần bức khảm miêu tả về chúa Giêsu tại nhà thờ cổ nhất Israel

Hai bức chạm khảm trong nhà thờ, trong đó có hình con cá - biểu tượng của đạo Cơ đốc trước khi hình cây thánh giá ra đời, kể câu chuyện về một viên quan La Mã và một người phụ nữ tên là Aketous đã cống tiền để xây dựng nhà thờ nhằm tôn vinh chúa Giêsu.

Những đồ gốm từ thế kỷ thứ 3, chữ viết kiểu Hy Lạp, kiểu hình học cổ trong bức khảm và việc miêu tả con cá thay vì chữ thập chứng tỏ nhà thờ đã không còn được sử dụng đến thế kỷ thứ 4. Công trình, vốn đã bị phá huỷ gần hết, cũng không được xây theo phong cách La Mã cổ vốn là tiêu chuẩn thời đó.

Stephen Pfann, một học giả kinh thánh, cho biết thế kỷ thứ 2 và 3 là giai đoạn chuyển tiếp khi mọi người đang định hình cho mình một đức tin. Những chữ khắc cổ được tìm thấy ở Nazareth and Caperneum - nơi Giêsu từng sinh sống - cũng chứng tỏ mọi người từng đi lễ, nhưng đều bí mật.

"Đó là thời điểm của những biện pháp tra tấn da mãn, vậy mà thật ngạc nhiên khi hình ảnh chúa Giêsu vẫn được khắc hoạ rõ nét trên bức khảm. Nhưng đó cũng là lý do vì sao nhà thờ bị phá huỷ", Pfann nhận định.

Cuộc khai quật sẽ tiếp tục để các nhà khảo cổ tìm ra khu vực còn lại có thể là nơi rửa tội.

M.T. (theo AP)

Theo VnExpress
  • 409