Các nhà sinh vật học tìm thấy một địa điểm sinh sản chưa từng được biết tới của hải cẩu thầy tu Địa Trung Hải ở Cyprus.
Hải cẩu thầy tu Địa Trung Hải (Monachus monachus) hiện được phân loại "cực kỳ nguy cấp" trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, với số lượng chỉ còn dưới 700 con, chia thành 3 - 4 quần thể biệt lập ở Địa Trung Hải, biển Aegean, quần đảo Madeira và khu vực Cabo Blanco ở đông bắc Đại Tây Dương.
Bẫy camera cho thấy một con hải cẩu thầy tu mới sinh ở Cyprus. (Ảnh: SPOT).
Trong một báo cáo mới trên tạp chí Oryx hôm 2/3, các nhà nghiên cứu từ Đại học Exeter và Hiệp hội Bảo vệ Rùa (SPOT) cho biết đã phát hiện một địa điểm sinh sản chưa từng được biết tới trước đây của loài hải cẩu hiếm nhất thế giới này ở phía bắc Cyprus, đảo quốc ở phần phía đông của Địa Trung Hải.
Nhóm nghiên cứu đã lắp đặt bẫy camera và xác nhận có ít nhất ba con non được sinh ra trong cùng một hàng động từ năm 2016. Chỉ có một số ít hang động ở phía bắc Cyprus thích hợp để hải cầu thầy tu sinh sản và nghỉ ngơi, vì vậy cần có những hành động khẩn cấp để bảo vệ địa điểm này.
Monachus monachus là loài hải cẩu hiếm nhất thế giới. (Ảnh: Damla Beton).
"Khu vực bờ biển phía bắc Cyprus đang bị bê tông hóa nhanh chóng, đặc biệt là việc xây dựng các khách sạn. Một cuộc khảo sát vào năm 2017 chỉ tìm thấy 39 hang động có khả năng trở thành địa điểm sinh sản cho hải cẩu nhưng một số đã bị phá hủy. Địa điểm mới hiện không được bảo vệ và chúng tôi đang làm việc với chính quyền địa phương để thay đổi điều đó", Tiến sĩ Robin Snape từ Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn thuộc Đại học Exeter cho biết.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Damla Beton thuộc SPOT, nhấn mạnh thêm rằng mối đe dọa lớn nhất đối với hải cẩu thầy tu trong khu vực là hoạt động đánh bắt cá bởi chúng có thể vô tình mắc lưới của ngư dân trong lúc đi săn. Do đó, các nhà chức trách cần có biện pháp để giảm hoạt động đánh bắt ở các khu vực săn mồi quan trọng của hải cẩu.