Phát hiện sốc về cấu trúc ẩn dưới bề mặt sao Hỏa

  •  
  • 172

Dữ liệu kết hợp từ nhiều tàu thăm dò sao Hỏa đã tiết lộ những cấu trúc dày đặc, quy mô lớn bên dưới đáy một đại dương cổ.

Theo Science Alert, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS Bart Root từ Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) đã trình bày một bản đồ trọng lực mới của sao Hỏa tại Đại hội Khoa học Europlanet 2024. Một số cấu trúc lạ xuất hiện trên bản đồ này.

Đó là một loạt các cấu trúc dày đặc, quy mô lớn bên dưới đại dương đã biến mất từ lâu nơi bán cầu Bắc của hành tinh đỏ.

Một số cấu trúc lạ ẩn nấp bên dưới bề mặt sao Hỏa
Một số cấu trúc lạ ẩn nấp bên dưới bề mặt sao Hỏa - (Ảnh: ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ DELFT).

Các cấu trúc này đã lộ diện từng chút một thông qua bộ dữ liệu mà nhóm nghiên cứu này tổng hợp từ nhiều tàu vũ trụ, trong đó đóng góp nhiều nhất là tàu đổ bộ InSight của NASA làm nhiệm vụ thăm dò địa chấn.

Ngoài ra, một số độ lệch nhỏ xuất hiện trong các dữ liệu mà các tàu quỹ đạo sao Hỏa thu thập được cũng góp phần giúp nhận biết cấu trúc.

Sự hiện diện của các cấu trúc này đã lật ngược một lý thuyết được chấp nhận lâu đời về hành tinh đỏ.

Cụ thể hơn, các nhà địa chất đã làm việc với một khái niệm gọi là đẳng tĩnh khu vực, tức độ uốn cong của thạch quyển.

Nó mô tả cách thạch quyển - lớp cứng bên ngoài của một hành tinh, bao gồm vỏ và một phần trên của lớp phủ - phản ứng với một trọng tải lớn.

Khi một vật nặng đè lên thạch quyển, nó sẽ phản ứng bằng cách chìm xuống.

Ở Trái đất, Greenland là một ví dụ điển hình về điều này, nơi mà khối băng khổng lồ tạo áp lực đè xuống. Khi các khối băng tan chảy do sự nóng lên toàn cầu, đất đai Greenland sẽ nổi lên.

Đẳng tĩnh uốn cong là một ý tưởng quan trọng để hiểu được sự phục hồi băng hà, sự hình thành núi và sự hình thành lưu vực trầm tích.

Nghiên cứu mới cho thấy chúng ta cần xét lại hiện tượng này trên sao Hỏa.

Khu vực có các khối núi lửa khổng lồ ở sao Hỏa
Khu vực có các khối núi lửa khổng lồ ở sao Hỏa - (Ảnh: NASA).

Bất thường nằm ở Olympus Mons - ngọn núi lửa lớn nhất sao Hỏa và cũng là lớn nhất trong Hệ Mặt trời - và toàn bộ vùng núi lửa có tên Tharsis Montes.

Theo lý thuyết nói trên, vùng núi lửa lớn này sẽ đè lõm bề mặt hành tinh xuống dưới. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra: Tharsis Montes cao hơn nhiều so với phần còn lại của bề mặt sao Hỏa.

Nguyên nhân của tình trạng này phải là một thứ gì đó có khối lượng lớn sâu trong sao Hỏa, có thể đang nổi lên từ lớp phủ và nâng khối núi khổng lồ lên.

"Điều đó cho thấy sao Hỏa vẫn có thể có các chuyển động hoạt động diễn ra bên trong nó, tạo ra những thứ núi lửa mới trên bề mặt" - các tác giả viết.

Các phân tích cho thấy khối ngầm này rộng khoảng 1.750 km và ở độ sâu 1.100 km. Họ nghi ngờ rằng đó là một cột manti dâng lên dưới Tharsis Montes, đủ mạnh để chống lại áp lực hướng xuống từ toàn bộ khối.

Nếu nó hoạt động như ở Trái đất, có thể có hoạt động núi lửa xảy ra trong tương lai ở sao Hỏa, phá vỡ suy nghĩ lâu nay rằng hành tinh này đã "chết" về mặt địa chất.

Các hoạt động địa chất cũng là thứ có liên quan chặt chẽ đến một môi trường có thể sinh sống được, có thể đóng góp nhiều chi tiết quan trọng cho các nghiên cứu về sự sống sao Hỏa.

Cho đến nay, các nhà khoa học gần như tin chắc hành tinh này có thể có sự sống, có thể đã tuyệt chủng hàng tỉ năm trước hay mới gần đây hoặc có thể vẫn còn ẩn nấp đâu đó.

Cập nhật: 18/09/2024 NLĐ
  • 172