Phát hiện thành phố cổ bí ẩn trong rừng rậm Campuchia

  •  
  • 2.330

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện ra thành phố Mahendraparvata chìm sâu trong rừng rậm ở Campuchia.

Theo một bài báo được công bố trên tạp chí Antiquity (Tạp chí Cổ vật hàn lâm) các nhà khảo cổ đã phải triển khai công nghệ laser để xác định vị trí thành phố bí ẩn nằm giữa dãy núi Phnom Kulen ở phía Bắc Campuchia.

Trong một phát biểu gắn kèm với bài báo, các nhà khảo cổ cho biết, mặc dù biết rằng đồi núi Phnom Kulen có thể che giấu dấu vết của thành phố thủ đô của người Khmer, nhưng các nhà khảo cổ học đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận khu vực.

Những ngọn núi tại đây bị thảm thực vật dày đặc bao phủ, hơn nữa, chúng cũng là một trong những thành trì cuối cùng của phiến quân Khmer Đỏ cho đến những năm 1990, do vậy rất nhiều bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại luôn là mối đe dọa cho các cộng đồng sống và làm việc trên núi và khiến những nghiên cứu khảo cổ học trở nên khó khăn.

Khu vực phát hiện ra thành phố bị biến mất hàng ngàn năm tại Campuchia.
Khu vực phát hiện ra thành phố bị biến mất hàng ngàn năm tại Campuchia.

Bằng cách kết hợp quét laser trên không và khảo sát mặt đất, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định vị trí thành phố. Trước đây, người ta chỉ biết đến sự tồn tại của thành phố Mahendraparvata qua bằng chứng duy nhất là một số ít các đền thờ bị cô lập.

Các chuyên gia khai thác công nghệ LiDAR (công nghệ khảo sát tiên tiến để đo khoảng cách tới mục tiêu bằng cách chiếu mục tiêu đó bằng một tia laze và đo các xung phản xạ bằng một cảm biến), một công nghệ vô cùng hữu hiều để nghiên cứu những gì ẩn giấu trong các khu vực có thảm thực vật dày. LiDAR cũng được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng khác, bao gồm cả ô tô tự lái, nơi nó cho phép các phương tiện có tầm nhìn 360 độ liên tục.

Mahendraparvata có niên đại từ thế kỷ thứ 8 và 9 sau Công nguyên, từng là thủ đô của Đế quốc Khmer cổ đại. Và mặc dù ít được biết đến hơn so với quần thể đền thờ Khmer của Angkor Wat và siêu đô thị cổ của Angkor, nhưng theo các chuyên gia Mahendraparvata có từ trước thời Angkor.

Sử dụng bố cục quét dạng lưới, các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã tìm thấy một số khối của thành phố. LiDAR cũng chỉ ra rằng một dự án kỹ thuật thủy lực đầy tham vọng đã được khởi đầu tại Mahendraparvata, nhưng chưa bao giờ hoàn thiện.

Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này có nghĩa là hệ thống quản lý nước không đủ để hỗ trợ cho nền nông nghiệp lúa nước, do vậy có thể cho thấy thành phố này không đóng vai trò là một trung tâm quyền lực của người Khmer một cách dài lâu. Và mặc dù hồ chứa tại Mahendraparvata không hoạt động, nó có trước và có thể đã truyền cảm hứng cho các hồ nhân tạo rộng lớn sẽ trở thành một đặc điểm nổi bật của Angkor sau này.

Các chuyên gia cũng nghiên cứu những gò đất bí ẩn tại Mahendraparvata. Quần thể này bao gồm 365 gò riêng biệt, được dựng lên trong các mô hình hình học gồm 15 nhóm. Đồ gốm và những bằng chứng xây dựng thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên đã được tìm thấy tại các gò đất.

Các chuyên gia cho biết, mặc dù mục đích của các gò đất vẫn chưa được khám phá, nhưng có khả năng, dù chúng được sử dụng với mục đích gì đi nữa, các gò này được xây dựng muộn hơn so với phần lớn Mahendraparvata.

Trong một dự án khác vào đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ những sự kiện mới xung quanh sự sụp đổ của Angkor. Trong nghiên cứu, các chuyên gia lập luận rằng sự sụp đổ của thành phố có thể là một quá trình dần dần khi đối mặt với một sự kiện thảm khốc duy nhất.

Theo LiveScience, được bao quanh bởi rừng rậm, thành phố rộng lớn từng là thủ đô thịnh vượng của Đế quốc Khmer cổ đại, có lúc, dân số của Angkor có thể đã lên đến hơn 1 triệu người.

Các tình tiết xung quanh sự sụp đổ của Angkor đã là chủ đề tranh luận suốt nhiều năm qua. Một giả thuyết cho rằng sự gây hấn từ các quốc gia láng giềng đã khiến thành phố bị bỏ rơi vào năm 1431.

Qua nghiên cứu, các bí mật khủng khiếp tại địa danh bí ẩn Cánh đồng chum ở Lào cũng đã được tiết lộ nhiều hơn. Trong nghiên cứu được công bố hồi đầu năm nay, các chuyên gia cho rằng nơi này có thể là nơi chôn cất hàng ngàn trẻ sơ sinh và trẻ em đã chết.

Cập nhật: 23/10/2019 Theo Tiền Phong
  • 2.330