Phát lộ "kho báu mộ chum" tại di tích Giồng Cá Vồ

  •  
  • 271

Ngày 25/8, Viện Khảo cổ học phát đi thông báo kết quả khai quật di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ.

Nhiều phát hiện quan trọng, trong đó có việc kho báu mộ chum phát lộ đã được các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM nghiên cứu và công bố.

 185 mộ chum và 13 mộ đất phát lộ trong đợt khai quật năm 2021 – 2022.
185 mộ chum và 13 mộ đất phát lộ trong đợt khai quật năm 2021 – 2022. (Ảnh: Lương Chánh Tòng).

Mộ táng thời tiền cổ

Giồng Cá Vồ là một di tích khảo cổ nằm ở ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa (Cần Giờ - TPHCM). Di tích tọa lạc trên một giồng đất đỏ, có diện tích khoảng 7.000m2, cao khoảng 1,5m so với mặt đất, phần chân giồng thường xuyên bị ngập mặn.

Theo hồ sơ khảo cổ, di tích được phát hiện tháng 12/1993, sau đó các chuyên gia thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM và Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành đào thám sát trên diện tích 230m2.

Tầng văn hóa dày đến 1,5m, gồm 4 lớp: Đất canh tác đến độ sâu 0,3m, đất đỏ bazan từ 0,3 – 0,7m, đất đen xốp lẫn nhiều gốm than tro từ 0,7 - 0,9m và đất đỏ vàng nhiều gốm từ 0,9m – 1,5m.

Kết quả cho thấy có 38 ngôi mộ chum, trong đó có 23 mộ có di cốt người. Đồng thời, chuyên gia cũng phát hiện nhiều đồ tùy táng bằng gốm, đá, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể, sắt, đồ trang sức.

Lần đào thám sát tiếp theo, các nhà khảo cổ bước đầu xác nhận đây là di chỉ cư trú sản xuất gốm là khu mộ táng của người xưa, với hàng trăm mộ chum và mộ đất. Phần lớn di cốt trong chum được người cổ mai táng theo tư thế ngồi bó gối. Chum mai táng có hai loại mộ cổ và mộ đất - đều chưa thấy trong bất kỳ một di tích mộ chum nào ở Đông Nam Á.

Số lượng chum nhiều, với sự thống nhất của phương thức và đồng nhất của loại hình chum mai táng. Điều đó cho thấy, táng thức của cư dân Giồng Cá Vồ đã tồn tại khá lâu dài và ổn định, như một truyền thống độc đáo ở khu vực Đông Nam Á. Các nhà khảo cổ xác định đây là khu mộ táng thuộc văn hóa tiền khảo cổ học Sa Huỳnh - chủ nhân là cư dân bản địa, thể hiện rõ nét của chủng Mongoloid.

Với tầm quan trọng của những phát hiện thám sát, tháng 4/1994 - Bộ Văn hóa Thông tin đã ban ban hành giấy phép kịp thời bảo vệ di tích trước sự phá hủy của tự nhiên và quá trình canh tác ở địa phương. Đến năm 2000, Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ là di tích khảo cổ học nằm trong số những di tích cần được bảo vệ.

Phát hiện mang tính quốc tế

Mộ chum loại 1 hình cầu, đáy tròn.
Mộ chum loại 1 hình cầu, đáy tròn.

“Di tích Giồng Cá Vồ cần sớm thực hiện bảo tồn tại chỗ hố khai quật và xây dựng phương án trưng bày. Đồng thời sớm lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận Giồng Cá Vồ là di tích quốc gia đặc biệt”, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam

Tháng 1/2021, Viện Khảo cổ học phối hợp với các đơn vị chuyên môn liên quan tiến hành khai quật. Chuyên gia thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM tiến hành radar xuyên đất để xác định tiềm năng và vị trí hiện vật trong lòng đất với phạm vi thăm dò khai quật là 225m2.

Kết quả đã phát hiện 185 mộ chum, 13 mộ đất cùng hàng trăm di vật quý bằng nhiều chất liệu khác nhau. TS Nguyễn Gia Đối - quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học - cho rằng, đó là một phát hiện hết sức quan trọng, là thành công lớn không chỉ của ngành khảo cổ học Việt Nam, mà còn mang tính quốc tế.

PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam - cho biết, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học phát hiện một di tích với mật độ mộ chum dày đặc, cột địa tầng được làm rõ với sự phát triển liên tục từ di tích cư trú đến di tích mộ táng.

Ở khu vực trung tâm di tích Giồng Cá Vồ, địa tầng dày khoảng 1,7m chia thành 3 giai đoạn: Cư trú, mộ táng và canh tác hiện đại. Niên đại của di tích được xác định khoảng từ 2.500 năm trước đến khoảng đầu Công nguyên.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - chuyên gia cổ nhân học, khi nghiên cứu các đặc điểm nhân chủng qua hàng trăm di cốt của mộ chum, mộ đất và các đặc điểm về di vật, đã nhận định: Đó là những nhóm cư dân bản địa, chủ đạo là cư dân truyền thống văn hóa Đồng Nai có giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài trong đó có nhiều yếu tố ảnh hưởng của văn hóa hải đảo.

Cùng với di cốt người, nhiều hiện vật như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, lá vàng, vòng tay đá quý, hiện vật hình tù và… được tìm thấy tại di tích Giồng Cá Vồ. Việc phát lộ này giúp giới chuyên gia giải mã lịch sử hình thành và phát triển vùng đất TPHCM cách đây trên 2.000 năm.

Trước đó, trong hai lần đào thám sát và thực hiện khai quật khảo cổ lần 1, các chuyên gia đã tìm được số lượng hiện vật tương đối lớn, gồm: 21 khuyên tai hai đầu thú, 2 khuyên tai ba mấu, 1.046 hạt chuỗi đá, 9 vòng tay và nhiều mảnh vòng bằng đá, hơn 200 hạt chuỗi, 15 vòng tay bằng thủy tinh.

Một số hạt chuỗi, 36 răng nanh thú, 8 công cụ bằng xương, 70 giáo, lao, lưỡi câu, rìu bằng kim loại. Đồ gốm cũng rất phong phú, có đủ các loại hình gốm thuộc văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh.

Các nhà khảo cổ học xác nhận, trên địa bàn TPHCM có 132 công trình, địa điểm đã được xếp hạng di tích nhưng chỉ có 160 địa điểm mộ táng cổ niên đại cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20. Trong đó xác định 12 ngôi mộ cổ đủ tiêu chí lập hồ sơ xếp hạng di tích, 21 ngôi mộ đưa vào danh mục quy hoạch bảo tồn. Có 2 di tích khảo cổ được xếp hạng di tích quốc gia là Giồng Cá Vồ và Lò gốm Hưng Lợi.

Dù Giồng Cá Vồ đã được công nhận là di tích khảo cổ học quốc gia từ năm 2000, nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng. Bởi vậy, giới khảo cổ kiến nghị sớm giải phóng mặt bằng để bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Cập nhật: 29/08/2022 GDTĐ
  • 271