Phát minh xe tăng bay "chết yểu" trong thế chiến II

  •  
  • 80

Trong Thế chiến II, Liên Xô nỗ lực phát triển xe tăng bay nhằm đưa chúng đến đích nhanh chóng, nhưng các thử nghiệm cho thấy hiệu quả kém.

Trong những cuộc xung đột xuyên suốt lịch sử, con người đã phát minh ra nhiều cách tấn công kỳ lạ, từ Lửa Hy Lạp thời Đông La Mã đến máy bắn đá phóng xác bệnh nhân dịch hạch về phía kẻ thù vào thế kỷ 14. Một trong những phát minh như vậy là xe tăng bay, do Liên Xô nghĩ ra vào Thế chiến II, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Xe tăng bay Antonov A-40 Krylya Tanka.
Xe tăng bay Antonov A-40 Krylya Tanka. (Ảnh: Tempshill/Wikimedia Commons)

Xe tăng, ngay cả loại nhỏ, cũng vẫn nặng và cồng kềnh. Do đó, quá trình vận chuyển chúng đến chiến trường trở thành một thách thức lớn. Việc lái xe tăng suốt chặng đường sẽ khiến chúng dễ bị đối phương tấn công. Vì vậy, Liên Xô bắt đầu thử nghiệm những cách vận chuyển bằng đường hàng không.

Họ từng thử nghiệm buộc xe tăng siêu nhẹ T-27 vào gầm máy bay ném bom rồi đưa chúng đến các sân bay và đặt xuống. Tuy nhiên, sức công phá của xe tăng không đủ lớn để bù cho rủi ro khi sử dụng những chiếc máy bay đắt tiền. Một số biện pháp khác là dùng máy bay thả xe tăng xuống nước hoặc thả từ độ cao rất thấp. Binh lính sẽ nhảy dù xuống rồi trèo vào trong xe tăng với hy vọng kẻ thù chưa kịp đến.

Nhưng sau đó, trong Thế chiến II, Liên Xô nảy ra một ý tưởng khác: gắn xe tăng vào tàu lượn để nó lao vào trận chiến. Kết quả là Antonov A-40 Krylya Tanka, hay "xe tăng có cánh", ra đời.

Năm 1940, nhà thiết kế Oleg Antonov đã cố gắng chế tạo xe tăng bay lượn, về cơ bản là gắn cánh của máy bay hai tầng cánh và phần đuôi dài vào một chiếc xe tăng nhỏ, nhẹ. Ý tưởng là xe tăng bay sẽ được một máy bay lớn hơn kéo đi rồi thả ra. Tiếp theo, nó sẽ chỉ cần lượn xuống chiến trường trước khi tháo bỏ cánh và đuôi.

Phải mất vài năm, nguyên mẫu xe tăng bay mới được chế tạo và đưa vào thử nghiệm. "Khi thử nghiệm bay, họ phải bỏ đạn dược và phần lớn nhiên liệu ra để tiết kiệm trọng lượng. Ý tưởng là khi tháp pháo của xe tăng quay, người lái sẽ di chuyển các cần điều khiển trên cánh. Chỉ cần di chuyển súng sang trái hoặc phải", Jim Winchester, tác giả cuốn sách The History of Aviation: A Century of Powered Flight Day by Day, giải thích.

Năm 1942, phi công thử nghiệm Sergei Anokhin ngồi trong xe tăng khi nó được máy bay ném bom Tupolev TB-3 kéo lên không trung. Tuy nhiên, người ta nhanh chóng nhận ra đây không phải là ý tưởng hay vì lực cản của xe tăng bay quá lớn với máy bay ném bom. Chiếc xe tăng bị thả xuống sớm, nhưng Anokhin vẫn điều khiển nó lượn xuống và hạ cánh an toàn trên một cánh đồng, sau đó lái về căn cứ.

Dù Nhật Bản và Anh đều đã nỗ lực chế tạo phiên bản xe tăng bay riêng, nhưng họ cũng không thể biến chúng thành phương tiện hiệu quả mang tính khí động học. Do đó, giống như Liên Xô, họ nhanh chóng từ bỏ ý tưởng này.

Cập nhật: 03/12/2024 VnExpress
  • 80