Phát triển robot "vắt nọc bò cạp" để phục vụ nghiên cứu y học

  •  
  • 721

Nọc độc của bò cạp có nhiều ứng dụng trong y học, bao gồm cả việc hỗ trợ nghiên cứu ung thư và phát triển thuốc chống sốt rét. Xưa giờ các nhà khoa học phải trích xuất chất độc một cách thủ công để nghiên cứu nhưng điều đó sẽ sớm được giải quyết nhờ vào con "robot vắt sữa” bò cạp được thiết kế để thu giữ nọc độc của nó một cách nhanh chóng và an toàn hơn.

Chi tiết hơn xíu, chất độc của bò cạp hiện được các nhà khoa học trích xuất một cách thủ công với sự hỗ trợ của các công cụ kích thích bằng điện lẫn vật lý. Cách làm này có thể khiến cho con bò cạp chết đi và gây khá nhiều phiền toái trong quá trình thực hiện. Ấy là chưa kể việc bắt giữ và lấy nọc của một con vật cực độc kỳ thực cũng chẳng có gì vui vẻ. Để giải quyết điều đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Ben M'sik Hassan II đã phát triển một thiết bị mang tên VES-4.

VES-4 được thiết kế để trích xuất nọc độc của bò cạp mà không làm hại nó.
VES-4 được thiết kế để trích xuất nọc độc của bò cạp mà không làm hại nó.

VES-4 có thể hoạt động trong phòng thí nghiệm lẫn mang ra ngoài thực địa xài cũng được. Thiết bị này hoạt động bằng cách kẹp đuôi của con bò cạp lại, sau đó dùng dòng điện để kích thích nó bắn ra các giọt nọc độc. Lượng nọc độc này sẽ được thu lấy và giữ lại bên trong thiết bị. Mouad Mkamel, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “VES-4 được thiết kế để trích xuất nọc độc của bò cạp mà không làm hại nó, đồng thời cung cấp một kỹ thuật thí nghiệm an toàn hơn. Chỉ cần 1 người dùng remote điều khiển từ xa là đã có thể lấy nọc độc một cách an toàn".

Được biết VES-4 đã được thử nghiệm trên nhiều giống bò cạp khác nhau và có thể được lập trình để nhớ từng thiết lập, cho phép điều chỉnh các cài đặt một cách nhanh chóng qua các lần sử dụng. VES-4 còn có một màn hình LED có thể hiển thị tên của giống bò cạp đang thao tác. Trên thực tế, VES-4 không phải là con robot đầu tiên được dùng bởi các nhà khoa học trong y khoa. Trước đây, người ta đã tạo ra những thiết bị robot nhằm thiết kế thuốc, thậm chí là có cả robot nhân dạng để nuôi cấy mô thịt cấy ghép cho con người.

Cập nhật: 06/07/2017 Theo Tinh Tế
  • 721