Phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ mùa tựu trường

  •  
  • 246

Trẻ dễ mắc tay chân miệng vào giao mùa tháng 9, môi trường tập thể có thể khiến bệnh bùng phát thành dịch.

Bệnh tay chân miệng đang bắt đầu vào mùa. Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế ghi nhận hơn 51.000 ca mắc tại 63 tỉnh thành; tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2016.

Đối tượng chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung, hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng lúc trẻ hắt hơi, ho. Vì vậy ở lớp học tập thể, một trẻ nhiễm bệnh có thể dễ dàng lây lan cho nhiều bạn khác.

Cha mẹ có thể phát hiện bệnh qua các tổn thương trên da, trong miệng.
Cha mẹ có thể phát hiện bệnh qua các tổn thương trên da, trong miệng.

Các dấu hiệu của bệnh chân tay miệng dễ nhận biết, bao gồm:

  • Sốt: Sốt nhẹ hoặc cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
  • Tổn thương da: Da rát đỏ, mụn nước mọc ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa đến khám tại các cơ sở y tế, nhận tư vấn cách chăm sóc.

Trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc trẻ ở nhà, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo vi khuẩn tại bệnh viện. Nếu có dấu hiệu bệnh nặng, sốt cao, li bì, mệt lả hoặc co giật, phải nhập viện điều trị ngay.

Bệnh chân tay miệng do virus gây ra, dùng kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh. Các thuốc trị triệu chứng, hạ sốt có thể dùng nếu cần thiết. Tại các vị trí tổn thương ngoài da, bôi dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Biện pháp chủ yếu vẫn là chăm sóc vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn và tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhanh khỏi.

Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng chân tay miệng. Vì vậy, nên tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu nhiễm thì nên ở nhà, không tới trường trong vòng 10-14 ngày đầu.

Phụ huynh nên chủ động tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Phụ huynh nên chủ động tăng cường miễn dịch cho trẻ.

Trẻ mắc bệnh nên ăn các món giàu dinh dưỡng, dễ tiêu. Miệng đau nên cho ăn loãng và nguội. Đồ dùng sinh hoạt và đồ chơi nên được vệ sinh bằng các dung dịch sát khuẩn. Trẻ có thể dùng nước muối loãng vệ sinh răng miệng.

Phụ huynh cũng nên tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung vitamin C, A từ rau xanh, cà rốt, đu đủ, cháo gà… hoặc nấm sò chứa hoạt chất Beta (1.3/1.6)-D-glucan có tác dụng kích hoạt hệ thống miễn dịch. Trẻ sơ sinh nên bú mẹ nhiều hơn để tăng lượng kháng thể tự nhiên. Ngoài ra, khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời, giữ vệ sinh thân thể và nơi ở sạch sẽ để tiêu diệt nguồn bệnh.

Cập nhật: 19/09/2017 Theo VnExpress
  • 246