Các nhà khoa học từng tiên phong trong việc nhân bản vô tính cừu Dolly vừa có kế hoạch dùng tế bào đông lạnh từ xác voi ma mút để làm sống lại những con quái vật cổ đại.
>>> Trưng bày xác voi ma mút 39.000 năm tuổi
Theo dự án trên, các nhà khoa học sẽ sử dụng tế bào gốc để làm sống lại những loài thú cổ đại như từng làm với cừu Dolly năm 1996. Các chuyên gia cho rằng, việc tạo một loài khổng lồ từ kỹ thuật nhân bản vô tính là rất khó khăn, nhưng kỹ thuật hiện đại với công nghệ chuyển đổi tế bào mô gốc có thể đạt thành công.
Xác voi ma mút Yuka được bảo quản gần như nguyên vẹn qua hàng chục nghìn năm lịch sử. (Ảnh: Reuters)
Triển vọng tái tạo các loài vật cổ đại được giới khoa học chú ý khi họ phát hiện xác con voi ma mút con gần như nguyên vẹn bên dưới lớp băng vĩnh cửu ở Siberia. Dự kiến, giới nghiên cứu sẽ trích lấy tế bào gốc từ xác con voi ma mút con để thu thập DNA nhằm tái tạo loài vật cổ đại. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi các tế bào phải khỏe mạnh dù trải qua hàng nghìn năm dưới lớp băng tuyết.
Hồi đầu tháng, xác con voi ma mút trên với tên gọi Yuka được trưng bày tại thành phố Yokohama, Nhật Bản sau khi người ta vận chuyển chúng từ vùng Siberia. Con ma mút cái nhỏ này sống khoảng 39.000 năm trước. Nó được bảo quản tốt đến mức vẫn còn lại bộ lông màu nâu vàng, các cơ bắp và các mô mềm trên xác.
Theo ông Sir Ian Wilmut, một nhà khoa học tế bào gốc, việc tái tạo các con thú thời tiền sử từ voi ma mút là một ý tưởng có thể trở thành hiện thực, nhưng điều này phải đối mặt với nhiều khó khăn từ thách thức kỹ thuật. Vấn đề cấp bách nhất là bảo quản các tế bào khổng lồ của voi ma mút được nguyên vẹn sau khi được lấy lên từ lớp băng tuyết vĩnh cửu.
Voi ma mút là loài to lớn từng ngự trị trên trái đất hàng chục ngàn năm trước, chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ và lục địa Á-Âu. Loài này tuyệt chủng do các tác động từ việc thay đổi của môi trường.