Pissoir - Bốt toilet công cộng của Pháp giúp thế giới trở nên văn minh hơn

  •  
  • 250

Được gọi là pissoir hay là vespasienne, bốt toilet công cộng từng rất phổ biến ở Paris và châu Âu. Pissoir không chỉ là nơi để tiểu tiện của nam giới mà còn là một phần lịch sử đầy biến động của Paris.

Mục đích của các bốt công cộng này là giúp nam giới giải quyết nhu cầu, thay vì “tè bậy” trên vỉa hè hay các bức tường của các tòa nhà. Những phát minh như vậy đã giúp Paris trở thành thành phố hiện đại nhất trên thế giới vào những năm 1800 và việc bắt gặp một ai đó đang “giải quyết” ở nơi công cộng là rất phổ biến.

Nếu đi dạo ở nhiều thành phố châu Âu vào tối cuối tuần, chắc chắn, bạn sẽ bắt gặp ai đó đi tiểu bậy ở nơi công cộng. Ở Anh, những ai làm điều đó sẽ bị phạt bằng tiền nhưng vẫn không ngăn chặn được lượng người đái bậy ngoài đường. Vào những năm 1700, Pháp đã có lệnh cấm tè bậy, đặc biệt là thành phố Paris, tuy nhiên, dù có lệnh cấm này, Paris vẫn mang danh là một trong những thành phố bẩn nhất trong thời kỳ đó.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi người ta vẫn cứ buôn bán, sinh hoạt trên những con đường ngập tràn rác thải, phân ngựa và bốc mùi.

Trong ảnh là một pissoir được chụp vào năm 1865.
Những toilet được xây với hình trụ bằng kim loại. Trong ảnh là một pissoir được chụp vào năm 1865.

Đến những năm 1850, để biến Paris trở thành thành phố hiện đại nhất trên thế giới . Một trong những nỗ lực hiện đại hóa này là bắt đầu mang đến cho nam giới Paris một nơi để đi tiểu, thay vì để họ tè lên những bức tường gần nhất trên đường đi.

Điều này được Napoleon III cuối cùng lệnh cho Nam tước Georges-Eugene Haussmann thực hiện.

Ý tưởng về pissoir, về cơ bản là bồn tiểu công cộng, được Claude-Philibert Barthelot, comte de Rambuteau, nghĩ ra lần đầu tiên vào năm 1834, nhưng chỉ đến khi Haussmann bắt đầu lắp đặt chúng trên khắp Paris thì chúng mới trở nên phổ biến.

Ban đầu, pissoir dạng hình trụ đơn giản bao quanh lõi kim loại và xây bằng gạch, có cửa mở ở phía đường phố. Pissoir được gọi là "colonnes Rambuteau" (nghĩa là "cột Rambuteau").

Như bạn có thể thấy từ bức ảnh (được chụp bởi Charles Marville, người được Napoléon III ủy nhiệm để ghi lại nỗ lực biến Paris thành một thành phố hiện đại) là nơi đi tiểu tuy nằm trên các con phố nhưng che được những phần nhạy cảm, và giúp thành phố Paris bớt dơ bẩn do mùi nước tiểu bốc mùi.

Hình ảnh được chụp vào 1875.
Hình ảnh được chụp vào 1875.

Tuy nhiên, trong báo cáo của Andrew Ayers trên Tạp chí Pin-Up , ý tưởng này đã được bắt đầu và vào những năm 1840, khoảng 400 bồn tiểu công cộng rải rác trên đường phố . Trong vài thập kỷ tiếp theo, những thiết kế bồn tiểu ngoài trời xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn trong cấu trúc và vật liệu xây dựng.

Pissoir là hình ảnh phổ biến vào những năm 1930, với khoảng 1.200 điểm rải rác xung quanh Paris. Có một số báo cáo cho rằng chúng đã được Quân kháng chiến Pháp sử dụng trong Thế chiến thứ hai làm nơi gặp gỡ trò chuyện riêng tư hoặc để lại lời nhắn cho ai đó mà Đức Quốc xã không phát hiện ra. Đến những năm 1960, Paris đã bắt đầu loại bỏ những bốt toilet này, và cuối cùng, chỉ một số ít ỏi còn sót lại đến tận bây giờ.

Vào năm 2019, một bài báo trên trang Smithsonianmag nói rằng, các nhà vệ sinh ngoài trời của Paris không chỉ giúp thay đổi một thành phố mà còn giúp lật đổ chế độ Đức quốc xã.

Bài viết của tác giả Katherine J. Wu nói rằng, trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, các bốt vệ sinh công cộng là điểm hẹn của các chiến binh Kháng chiến Pháp.

Để giữ thông tin tình báo quân sự quý giá khỏi tay kẻ thù, các lực lượng chiến đấu trong Thế chiến II đã sử dụng một số chiến thuật liên lạc khá sáng tạo. Người Anh có chim bồ câu vận chuyển. Người Đức có máy Enigma. Và người Pháp đã có những bồn tiểu lộ thiên là pissoir.

Một người đàn ông chụp trước một vespasienne
Một người đàn ông chụp trước một vespasienne (theo tiếng Pháp) hay pissoir, tên gọi phổ biến cho toilet công cộng lộ thiên ở Paris.

Trong thời gian Đức chiếm đóng Paris, binh lính Đồng minh và gián điệp đã sử dụng các pissoir để chuyển thông điệp và vũ khí tránh khỏi những cặp mắt tò mò của Đức Quốc xã, theo AFP. Vào thời điểm này, con số hơn 1.000 bồn tiểu trên khắp Paris dường như là địa điểm hoàn hảo để trao đổi thông tin.

Tất nhiên, theo bài báo thì việc phá bỏ chế độ Đức Quốc xã không phải là mục đích ban đầu của công trình công cộng này mà chỉ đơn giản giúp thành phố sạch sẽ, hiện đại hơn và không bị bao vây bởi mùi nước tiểu nồng nặc.

Thậm chí, ở những pissoir này, những người đồng tính nam còn sử dụng làm nơi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, người dân thành phố phàn nàn về điều này và cho rằng pissoir đang làm tổn hại đến danh tiếng cũng như hình ảnh của thành phố, và cảnh sát bắt đầu rình rập bên ngoài các các nhà vệ sinh lộ thiên này để phạt những ai vi phạm.


Pissoir được chụp vào 1975.

Mặc dù vậy, những pissoir chỉ dành cho nam giới. Còn phụ nữ thì lại không có được “đặc quyền xa xỉ” như vậy, bởi quan chức Paris lúc bấy giờ coi việc xây dựng các bốt toilet là lãng phí diện tích, theo bài báo của Warde-Aldam.

Từ năm 1980, những pissoir bị thay thế bằng một hệ thống toilet tiên tiến và kín đáo hơn, tiền thân cho những bốt vệ sinh công cộng ngày nay. Cho đến năm 2006, Paris chỉ còn lại một chiếc pissoir nằm ở Đại lộ Arago. Mặc dù không còn được sử dụng nhiều mà phần lớn dành cho các tài xế taxi đi qua khu vực, nhiều người dân địa phương vẫn rất tự hào và xem đây là phần của lịch sử đầy biến động của thành phố.


Toilet công cộng ngày nay dành cho cả nam và nữ

Vài năm trước, Paris đã hồi sinh các pissoir với hy vọng giữ cho vỉa hè của thành phố không có nước tiểu. Nhưng những chiếc bồn tiểu - vẫn chỉ thích hợp cho nam giới – đã gây ra những tranh cãi dữ dội. Nhiều người phản đối, cho rằng đó là phân biệt giới tính và phân biệt đối xử. Họ lập luận rằng những điểm đi tiểu nơi công cộng đã củng cố một tiêu chuẩn kép đáng lo ngại: Trong khi nam giới được khuyến khích tích cực phơi bày bản thân ở nơi công cộng, thì phụ nữ lại bị chỉ trích vì hành động tương tự, ngay cả những hành động vô hại như cho con bú.

*Những bức ảnh trong bài được chụp bởi một trong những nhiếp ảnh gia tài năng và đáng chú ý nhất của thế kỷ 19, Charles Marville. Ông đã được thành phố Paris chọn để ghi lại sự thay đổi của thành phố, đặc biệt là các địa danh được xây dựng bởi Nam tước Georges-Eugene Haussmann.
Cập nhật: 16/03/2022 Theo 1thegioi
  • 250