Quá trình tắm rửa cho xác chết ở Venezuela

  •  
  • 2.319

Làm đẹp cho những thi thể bị sát hại là công việc hái ra tiền ở thủ đô Caracas, Venezuela, nơi tỷ lệ án mạng cao nhất trên thế giới. 

Theo các nhóm quan sát, số người bị giết ở thành phố này lên tới 100 trường hợp trong tổng số 100.000 qua đời. Số án mạng trên toàn bộ đất nước Venezuela ở mức 39/100.000 trường hợp tử vong, Reuters đưa tin.

Quá trình tắm rửa cho xác chết ở Venezuela
Quá trình vệ sinh thi thể một người chết vì bạo lực. (Ảnh: Reuters)

Những vụ án mạng xảy ra liên tiếp khiến các công ty dịch vụ tang lễ ở Venezuela luôn phải làm việc hết công suất. Jhonny Aguilar, một trong những người thường xuyên tắm rửa cho người chết, kể lại: “Thứ hai là ngày bận rộn nhất của chúng tôi vì các vụ giết người xảy ra nhiều trong cuối tuần”. Do tiếp xúc với thi thể người chết quá nhiều nên Aguilar và các đồng nghiệp coi việc làm đẹp, tắm rửa và thay trang phục cho những xác chết chỉ là một công việc bình thường.

Quá trình tắm rửa cho xác chết ở Venezuela
Khu nhà chứa chất đầy quan tài để phục vụ tang lễ. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, môi trường làm việc của những người như Aguilar là nỗi ám ảnh với Carlos Garcia Rawlins, phóng viên ảnh của Reuters. “Một trong những điều khủng khiếp nhất tôi nhìn thấy là quá trình vệ sinh thi thể một người chết vì đạn bắn từ nhiều ngày trước. Bầu không khí xung quanh nồng nặc mùi tử khí và các loại hóa chất người ta sử dụng để vệ sinh và làm đẹp thi thể nạn nhân”, Rawlins kể.

Những nạn nhân thiệt mạng vì bạo lực thường trải qua quá trình khám nghiệm tử thi trước khi gia đình đưa về mai táng. Tuy nhiên trước khi chôn cất, những thi thể này được đưa tới các trung tâm chuyên làm đẹp cho người quá cố. Tại đây, người ta bỏ toàn bộ nội tạng của người chết vào một chiếc túi trước khi nhét nó vào bụng, chèn thêm giấy báo và khâu lại. Thi thể sẽ được tắm rửa trước khi mặc quần áo và khâm liệm trước khi đưa về gia đình.

Quá trình tắm rửa cho xác chết ở Venezuela
Ông thợ khắc đá Morales người gốc Tây Ban Nha chứng kiến nhiều sự đổi thay ở Venezuela. (Ảnh: Reuters)

Tuy không trực tiếp làm việc với các tử thi nhưng ông Laudelino Morales, một người gốc Tây Ban Nha, từng nhiều năm làm công việc phục vụ những người quá cố. Ông lão 76 tuổi là thợ khắc bia mộ với thâm niên hơn 50 năm trong nghề. Mặc bộ quần áo phủ đầy bụi trắng của đá cẩm thạch, ông Morales cho biết: “Venezuela là thiên đường khi tôi mới đặt chân đến. Tuy nhiên, giờ nó đã trở thành địa ngục”.

Phóng viên Rawlins phải mất hơn một năm sống cùng những người dân Venezuela để viết nên câu chuyện của mình. Người đàn ông này nhận định, cuộc sống ở Venezuela ngày càng đi xuống nhưng những người kinh doanh cái chết ngày càng kiếm được nhiều lợi nhuận. Thậm chí, họ còn tiếp tục giàu có nếu tình trạng bất ổn không bị ngăn chặn.

Theo Zing
  • 2.319