Quá trình tiến hóa tính hung bạo ở người

  •   32
  • 1.946

Bất cứ ai cũng từng nóng giận tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời và một số trong chúng ta – hầu hết là đàn ông – đã chuyển sự nóng giận đó thành bạo lực, ví dụ như đấm một ai đó trong một trận đấu hockey hoặc sau khi đã uống quá nhiều bia.

Sau đó là bạo lực với mức độ ác độc hơn, dưới dạng giết người, chiến tranh hoặc diệt chủng. Việc cố gắng tìm hiểu điều gì là nguyên nhân của các mức độ hung hãn khác nhau ở con người, từ những cuộc ẩu đả đến chiến tranh giữa quốc gia và quốc gia, từ lâu đã được các nhà sinh vật học theo đuổi.

Liệu có tồn tại nguyên nhân mang tính tiến hóa giải thích cho mức độ hung hãn của chúng ta?
Đây là câu hỏi trung tâm mà các nhà nhân loại học đặt ra tại cuộc họp hàng tuần tại Đại học Utah để bàn luận về bạo lực và sự tiến hóa của con người. Những diễn giả tại hội nghị, “Quá trình tiến hóa bản tính hung hãn của con người: Bài học cho những tranh chấp ngày nay”, muốn khám phá làm thế nào quá trình tiến hóa lâu dài của con người ảnh hưởng đến những cách mà chúng ta thể hiện sự hung hãn hay bạo lực trong xã hội hiện đại.

Con người là một trong số những loài hung bạo nhất nhưng cũng vị tha nhất. (Ảnh: un.int)

Mặc dù có vẻ dễ dàng khi phân lập các ý kiến thành hai phe – những người cho rằng tiến hóa khiến con người hòa bình hơn và những người cho rằng bản chất của chúng thiên về bạo lực hơn, nhưng câu trả lời có vẻ như còn lửng lơ nằm giữa hai ý kiến, người tổ chức hội nghị Elizabeth Cashdan, giáo sư nhân loại học tại Đại học Utah nhận định.

Cashdan, người cho rằng cảm xúc đa dạng đã phát triển vì chúng có lợi cho con người theo nhiều cách, cho biết: “Có rất nhiều bằng chứng ủng hộ cho cả hai chiều: bạo lực, hòa giải, và hợp tác đều là một phần của bản chất con người”.

Bản năng con vật

Theo các chuyên gia, tiến hóa có thể giải thích con người thể hiện sự hung hãn vì đó là cảm xúc nguyên thủy.  “Cảm xúc (bao gồm hận thù, ghét bỏ, hạnh phúc, giận dữ) đã tiến hóa vì chúng thúc đẩy những hành vi phù hợp, điều này chắc chắn đúng đối với con người và các loài vật khác”, Cashdan cho biết.

Giống như tình thương đối với con của mình tăng cơ hội sống sót của gen, xu hướng bạo lực có thể có ích cho một số loài, nhà sinh vật học David Carrier thuộc Đại học Utah đồng tình.
Carrier cho biết: “Những hành vi hung hãn đã tiến hóa ở các loài vì nó tăng khả năng sống sót của cá thể hoặc khả năng sinh sản, và điều này phụ thuộc hoàn cảnh môi trường, xã hội, sinh sản và lịch sử của từng loài. Con người chắc chắn nằm trong số một trong những loài hung bạo nhất”. Ông cũng thêm rằng chúng ta cũng là một trong những loài vị tha nhất.

Trong điều kiện chăm sóc tự nhiên, mặc dù một số kiểu lập trình gen cho bạo lực có thể tồn tại ở con người như kết quả của quá trình tiến hóa, nhưng môi trường sống cụ thể sẽ quyết định liệu thuộc tính sinh học đó có được khởi động hay không.

Cashdan cho biết: “Các nhà sinh vật học nói về “quy tắc phản ứng”, chính là phản ứng được quy định trước đối với hoàn cảnh môi trường. Ví dụ, một số côn trùng đực thường có xu hướng bảo vệ bạn đời khi có ít con cái hơn trong đàn. Chọn lọc tự nhiên không chỉ hình thành những hành vi cố định, mà nó còn tạo nên quy tắc phản ứng – yếu tố tự nhiên của phản ứng”. Nói cách khác, bạo lực xuất phát từ bản thân bạo lực rất hiếm, một loạt những điều kiện phức tạp có thể đưa hầu hết con người tới hành vi bạo lực.

Thay vì cạnh tranh thức ăn, hiện trở nên khá dễ dàng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, ngày nay chúng ta cạnh tranh những nguồn nguyên vật liệu, và một số cá nhân thiếu “công tắc” báo cho chúng ta biết khi nào đủ. Bạo lực theo nhóm là một ví dụ về cạnh tranh tài nguyên đã bị sai lệch, mặc dù trong khi nhu cầu tiền bạc của một thành viên hoặc đối tác là những yếu tố gây ra rắc rối ngày nay, thì đó có thể là chìa khóa sống sót 100.000 năm trước.

Cảm xúc khiến chúng ta đặc biệt

Trong khi bản tính hung hãn là đặc điểm tiến hóa tự nhiên chung giữa chúng ta và các loài động vật khác, sự khác biệt giữa người và động vật là ở tính phức tạp của cảm xúc. Cashdan cho biết: “Con người đặc biệt vì tính phức tạp trong các quan hệ xã hội và trí thông minh vượt trội. Thù hận là cảm xúc xã hội tinh tế mà khó có thể tìm thấy ở các loài động vật khác”.

Sự hung hãn ở một số loài động vật vượt quá hành động bảo vệ lãnh thổ, bạn đời, con cái hoặc thức ăn – có một số bằng chứng rằng chó và tinh tinh cũng thù hận – nhưng bạo lực ở con người đã tiến hóa từ những nguồn ít điển hình hơn.

Cashdan giải thích: “Ví dụ như việc giết người báo thù, và những thể chế văn hóa ủng hộ hoặc cản trở nó, hình thành bản tính hung hãn theo những cách khác nhau”. Trí thông minh, cho phép hầu hết chúng ta chế ngự được bản tính bạo lực bẩm sinh, cũng khiến một số người, ví dụ như cha mẹ tự giết con của mình, cũng như các thể chế bào chữa cho hành động bạo lực một cách phi lý.

Lo lắng về tương lai

Hiểu biến về nguồn gốc tiến hóa của bản tinh hung hãn của con người có thể giúp các tổ chức cơ quan thực hiện các quyết định chính sách một cách tốt hơn.

Cashdan nhận xét: “Tiến hóa không chỉ khiến chúng ta trở nên bạo lực, hoặc hòa bình, nó còn cho phép chúng ta phản ứng một cách linh hoạt và thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta cần hiểu rõ những hoàn cảnh đó nếu chúng ta muốn thay đổi mọi thứ”. 

Mặc dù tranh chấp, như đã xuất hiện tại Rwanda và Yugoslavia cũ những năm 1990 có thể là những ký ức cũ, nhưng ranh giới giữa hòa bình và bạo lực gần hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.
Carrier cho biết: “Ý kiến cá nhân của tôi là xã hội phương Tây về tổng thể đang chối bỏ tính phức tạp và nghiêm trọng mà bạo lực đem lại cho tương lai. Những người yêu hòa bình như chúng tôi tin rằng bạo lực và sự vi phạm pháp luật trong quá khứ sẽ không tái diễn, nhưng lịch sử gần đây và các sự kiện đương đại là minh chứng cho thấy rất dễ dàng nảy sinh bạo lực giữa cá nhân và giữa các phe phái”.

Điều này càng trở nên quan trọng ở những nơi mà tài nguyên thiên nhiên đang trở nên cạn kiệt. Carrier cảnh báo rằng “nếu tài nguyên cơ bản ví dụ như thức ăn và nước sạch trở nên hạn chế, như nhiều nhà khoa học tin rằng điều đó sẽ xảy ra do thay đổi khí hậu và thiếu hụt năng lượng, thì những nguồn xã hội và môi trường thúc đẩy bạo lực sẽ càng khó để kiểm soát hơn”.

G2V Star (Theo LiveScience)
  • 32
  • 1.946