Từ nước trà, đường và vi khuẩn, một nhà thiết kế người Anh đã tạo ra những bộ trang phục rất tiện dụng và thời trang.
Suzanne Lee, giảng viên ĐH Mỹ thuật Luân Đôn cho biết, công đoạn đầu tiên để cho ra đời 1 chiếc áo là…pha trà, không phải là 1 ấm, mà là 30 lít một lúc. Khi nước trà còn nóng thì bỏ vào mấy kg đường, khuấy cho tan hết và đổ vào một chiếc bồn tắm.
Đợi đến khi nước trà gần nguội hẳn (dưới 300C) thì cho vi khuẩn lên men và axít acetic. Đặt chiếc bồn tắm lên một tấm thảm sưởi để giữ cho nước trà bên trong luôn ở nhiệt độ tối ưu cho vi khuẩn phát triển.
Những bộ trang phục được làm từ vi khuẩn.
Sau 2-3 tuần, vi khuẩn liên kết các sợi nano cellulose tinh khiết trong nước trà đường, tạo thành một lớp màng dày gần 3cm trên mặt bồn tắm. Vớt ra, giặt bằng nước lạnh có pha chút xà phòng, sau đó phơi lên một tấm bảng gỗ cho nước bay hơi hết (chất liệu này ban đầu chứa 90% nước). Suzanne Lee thu được một loại “vải” mỏng, nhẹ, có thể giống như loại giấy trong suốt, hoặc da thuộc mềm. Loại vải này có thể cắt may theo cách thông thường để tạo ra những bộ trang phục nhiều kích cỡ, kiểu dáng.
Ngoài ra, Suzanne Lee còn dùng nước ép từ quả việt quất, củ dền hoặc các loại thực vật có màu sắc tự nhiên để nhuộm và vẽ các hoạ tiết trang trí trên áo.
Theo Suzanne Lee, phương pháp tạo vải bằng vi khuẩn rất kinh tế, bởi có thể tận dụng các nguồn nước thải có đường từ các cơ sở sản xuất hoặc phụ phẩm từ quá trình sơ chế nông sản để nuôi vi khuẩn. Hơn thế, khi quần áo cũ hoặc lỗi mốt có thể phân hủy sinh học, không tạo ra rác thải.
Vấn đề duy nhất hiện nay của loại vải này là nó hút ẩm rất mạnh và tan trong nước, nên khó có thể mặc ra ngoài khi trời mưa. Tuy nhiên, Suzanne Lee cho biết, bà đang phối hợp với một số nhà khoa học để giải quyết.
Ý tưởng dùng tạo vật liệu sinh học từ vi khuẩn được giới nghiên cứu rất hưởng ứng. Tại Australia, một nhà khoa học đang thí nghiệm phương pháp này để tạo ra loại vật liệu xây dựng tương tự như xi măng. Tại Anh, Damian Palin (Cao đẳng Mỹ thuật Hoàng gia) sử dụng vi khuẩn để tạo ra đồ nội thất. Còn ở Thụy Điển, một chuyên gia y khoa đã chế tạo thành công mạch máu từ cellulose theo đúng phương pháp của Suzanne Lee.