Quản thuê bao trả trước ảnh hưởng đến phát triển thuê bao

  •  
  • 88

Bộ BCVT đã vừa gửi Dự thảo quy định quản lý thuê bao trả trước tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động. Đã có rất nhiều các luồng ý kiến từ phía doanh nghiệp thông tin di động dành cho bản đề án này.

Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Bùi Thiện Minh, việc quản lý thuê bao di động trả trước sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông. Ông Minh cho rằng đây là công việc lâu dài và phức tạp nên khi ban hành quyết định cần có thời gian để doanh nghiệp xây dựng hệ thống cơ sở quản lý dữ liệu, tuyên truyền, tập huấn...

Việc quản lý thuê bao trả trước sẽ phải thống nhất về cơ sở dữ liệu trên cùng một mạng thống nhất. Vì vậy, để kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông và an ninh, cần quy định rõ hình thức kết nối mạng và phạm vi truy xuất cơ sở dữ liệu để đảm bảo an toàn mạng và đảm bảo bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới khách hàng là thuê bao trả trước của các mạng di động đều phải tới “khai báo” thủ tục như tại các trung tâm dịch vụ như thế này. Ảnh: TN

Còn nhà mạng di động đang có tốc độ tăng trưởng thuê bao số 1 hiện nay là Viettel Mobile thì cho rằng, trên thực tế còn có các điểm bán lẻ cung cấp thẻ SIM trả trước hoặc máy đầu cuối di động trả trước (loại không dùng thẻ SIM) trực tiếp cho khách hàng. Các điểm bán lẻ này không phải là đại lý của doanh nghiệp. Hiện tại, số lượng các điểm bán lẻ này là rất lớn (có khoảng 20.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc cung cấp thẻ SIM trả trước của Viettel và 80% số lượng thẻ SIM trả trước của Viettel bán đến người tiêu dùng thông qua các điểm bán lẻ này).

Vấn đề Viettel đặt ra là sẽ quản lý các điểm bán lẻ này thứ thế nào? Trong trường hợp không đưa các điểm bán lẻ vào nhóm đối tượng áp dụng của Dự thảo thì sẽ không có căn cứ pháp lý để các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp ràng buộc trách nhiệm của họ trong việc đăng ký thông tin thuê bao cũng như xử lý vi phạm đối với họ.

Dự thảo quản lý thuê bao di động trả trước còn quy định khá chặt thủ tục đăng ký. Người sử dụng dịch vụ phải đăng ký thông tin cá nhân dựa trên chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu. Tuy nhiên, theo như phía Viettel, ngoài hai loại giấy tờ này, chứng minh thư quân đội và giấy chứng minh Công an cũng là loại giấy tờ tùy thân có giá trị pháp lý và xác minh tương đương chứng minh thư thông thường. Vì vậy, trên thực tế, có nhiều khách hàng thuộc lực lượng quân đội, công an chỉ có chứng minh thư quân đội, giấy chứng minh công an mà không có chứng minh thư nhân dân. Viettel đã đề xuất Dự thảo nên bổ sung quy định khách hàng có thể sử dụng chứng minh thư quân đội và giấy chứng minh công an để đăng ký dùng dịch vụ, đảm bảo nguyên tắc thủ tục đăng ký hợp lý, đơn giản.

Rồi còn trường hợp cơ quan, tổ chức nhân danh chính mình đăng ký sử dụng thuê bao trả trước. Các thẻ SIM trả trước hoặc máy đầu cuối di động trả trước không được cơ quan, tổ chức phân phối cố định cho một người trong đơn vị mình mà được sử dụng chung cho tất cả các cá nhân thực hiện một loại công việc nhất định. Trong trường hợp này, đương nhiên không thể áp dụng thủ tục đăng ký thông tin thuê bao cá nhân song Dự thảo dường như lại chưa tính tới nên chưa đưa ra quy định về việc các cơ quan, tổ chức này có phải đăng ký thông tin thuê bao hay không?

Cùng quan điểm này, VNPT cho rằng cần bổ sung thêm thông tin về trường hợp thuê bao đứng tên cơ quan, doanh nghiệp. Ngoài ra khi mua thẻ SIM... khách hàng phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có hiệu lực (CMTND hoặc hộ chiếu) và phải cung cấp số thuê bao... và chứng minh được quyền sở hữu thuê bao cho doanh nghiệp hoặc đại lý thông tin di động. VNPT cũng đề nghị bổ sung thêm loại giấy tờ cụ thể có thể thay thế đối với trường hợp không có chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu thì có thể thay bằng giấy phép lái xe...

Thuỷ Nguyên

Theo VnMedia
  • 88