Quốc gia này tẩy chay túi nylon đến nỗi sẵn sàng phạt tù bất kỳ ai sử dụng nó

  •  
  • 2.017

Rác thải nhựa trong nhiều thập kỷ gần đây đã là vấn đề nổi cộm của nhiều quốc gia trên thế giới. Với hơn 8 triệu tấn rác thải ra ngoài đại dương mỗi năm, chúng gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho môi trường, phá huỷ hệ sinh thái, và đẩy vô vàn sinh vật đến bờ vực tuyệt chủng.

Chính vì thế, xu hướng của thời đại mới bắt đầu hạn chế các sản phẩm nhựa, thiên về vật dụng thân thiện với môi trường, và chắc chắn trong số đó không hề có túi nylon.

Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, quốc gia này tẩy chay túi nylon đến mức đưa ra một đạo luật được đánh giá là "nặng nhất thế giới": cấm sử dụng, và bất kỳ ai vi phạm sẽ phải ngồi 4 năm tù, hoặc đóng $40.000 tiền tại ngoại - tương đương gần 900 triệu đồng.

Kenya là một trong những quốc gia nhiều rác thải nhựa nhất.
Kenya là một trong những quốc gia nhiều rác thải nhựa nhất.

Quốc gia ấy là Kenya, và đạo luật này mới được công bố vào ngày 28/8/2017. Với nó, Kenya đã gia nhập nhóm các quốc gia có luật cấm dùng túi nhựa tại châu Phi, gồm Cameroon, Guinea-Bissau, Mali, Tanzania, Uganda, Ethiopia, Malawi và Mauritania.

Trên thực tế, có khoảng 40 quốc gia trên thế giới có luật cấm sử dụng túi nhựa. Chỉ có điều, lệnh cấm của Kenya ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, trong khi các nước khác vốn chỉ dừng ở mức răn đe và khuyên nhủ.

Sự xuất hiện của lệnh cấm có lẽ bắt nguồn từ con số túi rác khổng lồ quốc gia này thải ra mỗi năm. Theo số liệu của UN, con số rơi vào khoảng 100 triệu túi nhựa. Ngoài ra, hầu như tất cả các con phố tại Kenya đều ngập tràn túi rác.

Chắc ai cũng biết, túi nhựa cần đến hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn năm để phân hủy. Và trong quá trình ấy, chúng đẩy các loài sinh vật vào cửa tử, đặc biệt là nhóm thủy sinh.

Túi nhựa cần đến hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn năm để phân hủy.
Túi nhựa cần đến hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn năm để phân hủy.

Theo Judy Wakhungu - Bộ trưởng Môi trường Kenya, lệnh cấm này mới đang chỉ áp dụng vào các nhà sản xuất và nhà phân phối. "Người dân thường sẽ không bị ảnh hưởng" - bà cho biết. Nhưng có thể trong thời gian tới, cảnh sát sẽ được phép tiếp cận bất kỳ ai đang cầm trên tay túi nylon.

Samuel Matonda, người phát ngôn của Hiệp hội sản xuất Kenya thì chia sẻ, lệnh cấm này sẽ khiến 176 cơ sở sản xuất phải đóng cửa, kèm theo là 60.000 người mất việc. Hiện tại, Kenya là nơi xuất khẩu túi nhựa lớn nhất châu Phi.

Túi nhựa cần đến hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn năm để phân hủy.
Một con chim chết, bên trong bụng là những mảnh nhựa.

Để khuyến khích người dân từ bỏ túi nhựa, nhiều siêu thị tại Kenya đang tiến hành phân phát túi vải dùng nhiều lần.

Đây được xem là một bước đi cần thiết, nhằm đưa Kenya trở thành một quốc gia thân thiện hơn với môi trường.

Cập nhật: 31/08/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 2.017