Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã thiết kế một chiếc thủy phi cơ không người lái có thể cất và hạ cánh tự do trên mặt nước. Thiết bị tự động này có tên Flying Fish, hoạt động trên mặt nước là chính. Khi cần thiết, nó sẽ cất cánh và bay qua khoảng cách hàng nghìn mét.
Được trang bị hệ thống định vị toàn cầu và các pin mặt trời, chiếc thủy phi cơ này có tiềm năng mở rộng các hoạt động quan trắc trên mặt nước, mặt biển... (hiện vẫn bị hạn chế bởi chi phí cho con tàu nghiên cứu hoặc các phao cố định).
"Thiết bị này hoạt động trên mặt nước. Chúng cũng không cần đến một cấu trúc để cất hoặc hạ cánh và điều đó khiến chúng trở nên tự do hơn", thành viên nhóm nghiên cứu Ella Atkins, từ Đại học Michigan, Mỹ, nhận định.
Trong một thử nghiệm trên biển mới đây, thiết bị nặng gần 10 kg này đã cất và hạ cánh trên mặt nước 22 lần. Mặc dù hiện tại động cơ điện của nó vẫn sử dụng pin, nhưng nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ lắp đặt thêm các bộ phận để khai thác năng lượng mặt trời trực tiếp. Việc sử dụng chiếc thủy phi cơ này cũng sẽ giúp tiết kiệm tiền, vì hiện tại, một con tàu nghiên cứu biển ngốn khoảng 35.000 USD mỗi ngày.
Bước tiếp theo của các nhà khoa học là lắp đặt các pin mặt trời và bổ sung các thiết bị cảm biến.
Chiếc Flying Fish. (Ảnh: Discovery)
T. An