Bờ Biển Ngà vừa chứng kiến ít nhất 10 người chết và hơn 70.000 người phải điều trị vì chất độc phát ra từ chất thải hi-tech chôn quanh vùng Abidjan. Liên Hợp Quốc cho biết các nước giàu đang biến khu vực kém phát triển thành bãi rác công nghệ của họ.
"Tôi mong là các tổ chức liên quan hiểu được thảm kịch ở Bờ Biển Ngà và coi đây là sự cảnh tỉnh trước tác hại của rác thải công nghệ", Achim Steiner, Chủ tịch Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc, bày tỏ.
Theo nghiên cứu của Basel Action Network, riêng cảng Lagos của Nigerria đã có ít nhất 100.000 máy tính cũ nhập về mỗi tháng. "Nếu chúng có chất lượng tốt thì đã tạo ra động lực phát triển", Steiner nói. "Nhưng có tới 1/4 - 3/4 là đồ không sử dụng được. Về bản chất, đó chính là rác thải công nghệ. Khi dùng phương pháp phổ biến là thiêu hủy, các chất độc như bari, thủy ngân sẽ làm ô nhiễm nguồn đất và nước". Mỗi năm trên thế giới có khoảng 50 triệu tấn rác loại này.
Trước đây, rác thải công nghệ thường tìm đường đến các nước châu Á dưới dạng linh kiện tận dụng. Nhưng do quy định về môi trường ngày càng thắt chặt, rác thải hiện giờ chuyển hướng sang châu Phi nhiều hơn.
Do giá linh kiện máy tính, điện thoại, thiết bị hi-tech... ngày càng rẻ nên người dùng thay thế chúng rất nhanh. Ở các nước giàu, khách hàng có xu hướng chuyển sang dùng công nghệ mới ngay khi chúng vừa ra đời.