Các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện hoàng gia Adelaide và Đại học Adelaide tin rằng họ hàng có vú lâu đời nhất của chúng ta có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh ung thư buồng trứng.
Nhà di truyền học thuộc Đại học Adelaide, tiến sĩ Frank Grutzer cho biết biểu đồ ADN của rái mỏ vịt đã cho thấy một mối quan hệ thú vị giữa nhiễm sắc thể giới tính của chúng với một số chuỗi ADN phát hiện ở ung thư buồng trứng ở người.
Tiến sĩ Grutnzer cho biết: “Chúng tôi đã nhận biết ADN trên nhiễm sắc thể giới tính của rái mỏ vịt tương tự như ADN bị ảnh hưởng bởi ung thư buồng trứng cũng như các bệnh về sinh sản khác, ví dụ như vô sinh ở nam giới”.
Rái mỏ vịt đang giúp các nhà nghiên cứu Úc hiểu rõ hơn về bệnh ung thư buồng trứng. (Ảnh: Nicole Duplaix)
“Ung thư thường bao gồm việc thay đổi của một lượng lớn ADN, và thường rất khó để nhận biết ADN nào là quan trọng trong sự phát triển của bệnh. So sánh với loài vật có họ hàng xa như rái mỏ vịt giúp chúng ta nhận biết chuỗi ADN quan trọng đã được bảo tồn qua tiến hoá trong hàng triệu năm”.
“Chúng tôi rất hào hứng với thực tế rằng phân tích bộ gen của rái mỏ vịt đem lại cho chúng ta một hướng đi mới trong việc nghiên cứu ung thư buồng trứng ở mức độ phân tử”.
Hợp tác với Tiến sĩ Grutzner là giáo sư Martin Oehler, nhà nghiên cứu ung thư chuyên về việc điều trị ung thư buồng trứng thuộc Bệnh viện hoàng gia Adelaide.
Giáo sư Oehler cho biết: “Chúng tôi hy vọng nghiên cứu này một ngày nào đó sẽ dẫn tới việc phát triển của một thí nghiệm dò tìm sớm và các phương pháp chữa trị ung thư buồng trứng hiệu quả hơn”.
“Ung thư buồng trứng là loại ung thư phụ khoa có tỷ lệ tử vong cao nhất và nằm thứ 6 trong các nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ Úc”.
Cả tiến sĩ Oehler và Tiến sĩ Grutzner cho biết ứng dụng của nghiên cứu này không chỉ giới hạn đối với ung thư buồng trứng, và họ đang cố gắng tìm hiểu về một số các loại bệnh khác.