Vì sao khi ngủ chúng ta lại không nghe được?

  •   4,84
  • 8.460

Mặc dù tai vẫn tiếp tục làm việc bình thường nhưng bộ não khi đó hoạt động như một thiết bị lọc và quyết định chúng ta đáp lại âm thanh đó và thức dậy hay là ngủ tiếp.

Nếu thức dậy thì sau đó chúng ta có thể nhớ được là đã nghe thấy âm thanh đó, nhưng nếu không thức dậy thì coi như chúng ta chưa hề nghe thấy gì.

Đây là một công cụ đặc biệt vì nó bảo vệ giấc ngủ để chúng ta không bị đánh thức bởi bất cứ thứ gì xảy ra xung quanh trong khi ngủ.

Nhưng như thế không có nghĩa là cơ thể hoàn toàn “đóng cửa” với thế giới bên ngoài, bởi như vậy thì lại rất nguy hiểm.

Bộ não quyết định đánh thức bạn dậy hay để bạn ngủ tiếp khi có âm thanh vang lên xung quanh.
Bộ não quyết định đánh thức bạn dậy hay để bạn ngủ tiếp khi có âm thanh vang lên xung quanh.

Bộ não phản ứng với những tiếng động lớn

Tiếng động lớn dễ đánh thức chúng ta dậy hơn là tiếng động nhỏ. Ví dụ: tiếng động do ai đó đánh rơi một vật cứng xuống nền nhà trong đêm dễ làm chúng ta giật mình và thức giấc, nhưng chúng ta vẫn ngủ mà không biết đến tiếng muỗi vo ve xung quanh mình.

Tiếng chuông báo thức kêu to dễ làm bạn thức giấc hơn là một tiếng thì thầm ngay bên tai.
Tiếng chuông báo thức kêu to dễ làm bạn thức giấc hơn là một tiếng thì thầm ngay bên tai.

Bị đánh thức hay không còn tùy vào loại tiếng động nữa

Những âm thanh bất thường hoặc quan trọng cũng dễ làm chúng ta thức giấc.

Bộ não nhận định các âm thanh bất thường là mối đe dọa và cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm đó. Điều này giúp cho chúng ta quyết định có cần tự vệ hay bỏ chạy hay không khi thấy cần thiết.

Chỉ cần tưởng tượng xem điều đó quan trọng và có tác dụng bảo vệ đến thế nào với tổ tiên của chúng ta khi họ còn ngủ trong thiên nhiên hoang dã, khi không có nhà cửa như bây giờ, xung quanh có thể có nhiều loài thú ăn thịt như hổ, sư tử đe dọa.

Thật may là ngày nay chúng ta không còn phải lo lắng như tổ tiên thời nguyên thủy nữa, nhưng cơ chế bảo vệ đó vẫn rất hữu ích khi có những tiếng động lớn hoặc lạ trong lúc chúng ta đang ngủ, nhờ đó chúng ta có thể biết có cần phải làm gì hay không.

Bộ não cũng có khả năng đánh thức cơ thể khi có những âm thanh mà não cho là quan trọng, ví dụ như tên gọi của chúng ta chẳng hạn. Chúng ta dễ bị đánh thức khi ai đó gọi tên mình hơn là gọi tên người khác.

Bạn sẽ dễ bị thức giấc nếu bộ não cho rằng âm thanh đó là quan trọng, ví dụ như ai đó gọi tên bạn.
Bạn sẽ dễ bị thức giấc nếu bộ não cho rằng âm thanh đó là quan trọng, ví dụ như ai đó gọi tên bạn.

Khi ngủ sâu thì sao?

Giấc ngủ của chúng ta bao gồm các chu trình ngủ nông tiếp nối ngủ sâu. Mỗi đêm, chúng ta trải qua khoảng 5 – 6 chu trình ngủ như vậy, tùy vào thời gian giấc ngủ dài ngắn ra sao.

Khi ở giai đoạn ngủ nông, chúng ta dễ bị thức giấc hơn khi ngủ sâu. Thông thường, chúng ta ngủ sâu hơn trong nửa đầu của đêm và ngủ nông hơn về nửa sau. Vì thế chúng ta có thể lập tức bị tiếng gà gáy đánh thức dậy ngay khi trời vừa chuyển sang bình minh, còn trước đó vẫn ngủ say vì bộ não đã bỏ qua tiếng gáy đó vào lúc trước khi chúng ta đang trong giai đoạn ngủ sâu.

Cơ thể mỗi người mỗi khác

Mỗi người có mức độ nhạy cảm khác nhau với âm thanh.

Tiếng trò chuyện của mọi người trong nhà khi bạn đang ngủ có thể không làm bạn thức giấc nếu bạn là người không nhạy cảm với tiếng ồn. Nhưng với người rất nhạy cảm với tiếng động thì họ sẽ thấy rất khó chịu và không thể ngủ được khi xung quanh mọi người xì xào trò chuyện như vậy.

Nếu bạn là người nhạy cảm với âm thanh thì bộ não của bạn cũng rất dễ đưa ra quyết định đánh thức bạn dậy.

Cập nhật: 27/06/2020 Theo Dân Trí
  • 4,84
  • 8.460