Robot HEAP sử dụng những công nghệ tiên tiến để rà quét, phân loại các khối đá và vật liệu tái chế, sau đó tự động xây tường.
Nhóm nghiên cứu dẫn dắt bởi Ryan Luke Johns, chuyên gia tại Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich), phát triển robot tự động nặng 12 tấn có thể xây dựng tường đá từ các vật liệu tự nhiên và tái chế. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science Robotics hôm 22/11.
Robot HEAP xây bức tường tự đứng vững từ bêtông tái chế và đá gneiss. (Ảnh: Michael Lyrenmann/Science Robotics).
Robot mang tên Máy xúc thủy lực cho mục đích tự động hóa (HEAP), sử dụng những công nghệ tiên tiến như LiDAR (công nghệ viễn thám bằng ánh sáng laser), phân vùng ảnh và thuật toán lập kế hoạch. Nó có thể rà quét, phân loại, xếp chồng các khối đá và khối bêtông theo cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Robot mới đã được thử nghiệm tại hai địa điểm. Nó có thể xây một bức tường tự đứng vững dài 10 m và một bức tường chắn đất dài 65 m, chỉ sử dụng những vật liệu có sẵn tại các địa điểm đó. Robot cũng thiết lập một kho kỹ thuật số 3D lưu trữ các vật liệu, giúp nó dễ dàng tái sử dụng và tái chế chúng khi bức tường không còn cần thiết.
Nhóm nghiên cứu cho biết, HEAP có thể giúp xử lý những khó khăn của ngành công nghiệp xây dựng, chiếm hơn 10% GDP của thế giới nhưng gặp những vấn đề như năng suất thấp, rác thải nhiều, thiếu lao động. Khi dùng robot để xây dựng với các vật liệu tái chế, vật liệu tự nhiên, sẵn có ở địa phương và tiêu thụ ít năng lượng, ngành xây dựng có thể giảm tác động đến môi trường, tăng hiệu suất và tăng tính bền vững.
Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định, HEAP giúp giảm tới 41% lượng CO2 thải ra so với việc xây một bức tường bêtông cốt thép truyền thống. Họ cho biết, robot mới là minh chứng cho một tương lai xây dựng bằng robot, khi máy móc có thể làm việc tự động và phối hợp với nhau để tạo ra những cấu trúc linh hoạt, có khả năng thích ứng tốt.