Robot lấy cảm hứng từ mối tự xây dựng công trình

  •  
  • 452

Các kỹ sư tại phòng thí nghiệm thuộc đại học Harvard đang phát triển đội robot lấy cảm hứng từ mối có thể tự xây dựng những công trình kiến trúc mà không cần sự điều khiển của con người. Người dùng chỉ cần nhập các mô hình toán học của kiến trúc muốn xây dựng và đội robot sẽ tự đảm nhận phần công việc còn lại. Công nghệ trên hứa hẹn sẽ có thể giúp con người xây dựng công trình ở những nơi có điều kiện khắc nghiệt thậm chí là ngoài vũ trụ.

>>> Video: Robot xây dựng lấy cảm hứng từ mối

Robot có kích thước cỡ 1 chiếc giày, hình dạng giống như chiếc Volkswagen Beetle và được chế tạo bằng in 3D đang được phát triển tại phòng thí nghiệm thuộc đại học Harvard. Bánh xe của Robot được thiết kế giống như 3 chiếc móc nên có thể dễ dàng bám, leo trèo trên nhiều địa hình khác nhau.

Robot lấy cảm hứng từ mối tự xây dựng công trình

Trong video có thể thấy, robot mối cõng những mảnh xốp trên lưng và tự chuyển tới vị trí cần thiết để sắp xếp thành từng lớp tạo thành kiến trúc mong muốn. Điều khá thú vị là đội robot hoàn toàn không cần sự điều khiển của con người mà tự nhận định điều kiện môi trường xung quanh và xây dựng nên toàn bộ kiến trúc. Như trong video, đội robot đang xây dựng một tòa tháp từ những miếng xốp xếp chồng lên nhau.

Kỹ sư tại Viện khoa học kỹ thuật lấy cảm hứng từ sinh học thuộc đại học Harvard, Justin Werfel cho biết: "Nếu bạn muốn xây dựng một công trình dưới lòng biển hoặc thậm chí là một trạm nghiên cứu trên sao Hỏa, đây là một việc khó khăn, tốn kém và nhiều nguy hiểm nếu gởi con người tới đó. Nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng đội robot để xây dựng những công trình trong các môi trường sống khắt nghiệt, đây mới chính là tầm nhìn về lâu dài của dự án".

Robot lấy cảm hứng từ mối tự xây dựng công trình

Để đội robot có thể vận hành làm việc, Werfel khai báo với chúng những mô hình toán học của kiến trúc cần xây dựng, ví dụ như 1 kim tự tháp chẳng hạn. Mỗi thành viên trong đội robot sẽ sử dụng mô hình toán học để tính toán vị trí nào sẽ đặt miếng xốp mà nó đang cõng trên lưng. Nếu vị trí đó đã được 1 robot khác hoàn thành, nó sẽ tự chuyển sang vị trí cần thiết khác trong tiến trình xây dựng.

Để có thể hiểu được tiến độ của công việc, robot không chỉ được trang bị cảm biến sóng siêu âm và hồng ngoại, mà còn được tích hợp gia tốc kế bên trong để xác định có bao nhiêu khối đã được lắp và vị trí nào cần phải tiếp tục lắp đặt. Giai đoạn đầu, đội robot có thể xây dựng những kiến trúc như kim tự tháp, lâu đài hay tòa tháp. Nhưng trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển để có thể xây dựng nhiều cấu trúc phức tạp hơn rất nhiều.

Theo Tinh Tế
  • 452