Các nhà khoa học tại Trường Y khoa Duke, Bắc Carolina, Mỹ, cho biết đang thực hiện các nghiên cứu phát triển một loại robot có tích hợp thiết bị đặc biệt “thính mũi” như loài chó nghiệp vụ để phát hiện ma tuý, chất nổ và cứu người.
Thực tế, những chú chó nghiệp vụ được huấn luyện rất tốn kém để có thể phát hiện ra sự hiện diện của một số hóa chất cũng như ma tuý.
Các nhà khoa học tại Trường Y khoa Duke đã sử dụng nguồn gene lấy từ mũi chuột để nghiên cứu phát triển một cơ quan khứu giác nhân tạo có khả năng cảm thụ mùi như chuột. Đây là một hướng đi mới một ngày nào đó sẽ thay thế cho chó.
Chó nghiệp vụ trong một tương lai không xa sẽ được thay thế bởi các robot có khả năng “ngửi” siêu đẳng.
"Ý tưởng về một chiếc mũi nhân tạo đã có mặt trong một thời gian dài. Thay vì sử dụng các thực thể sống, thực tế, chúng ta có thể phát triển một thiết bị có khả năng tương tự như động vật. Chưa có ai làm được điều đó, nhưng nghiên cứu này của chúng tôi đang có nhiều hứa hẹn”, giáo sư Hiroaki Matsunami, nhà nghiên cứu di truyền học phân tử và vi sinh học tại Đại học Duke cho biết.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo ra một môi trường có chất lỏng đặc biệt chứa các phân tử có thể phát sáng từ các phản ứng.
Bước đầu tiên của nghiên cứu đó là xác định các thụ thể cảm mùi tốt nhất để đáp ứng với các mùi mục tiêu như cocaine hoặc cần sa.
Sau đó, các nhà khoa học sao chép khoảng 80% các thụ thể mùi từ chuột và trộn lẫn các thụ thể này với 7 hóa chất muốn kiểm tra trong môi trường chất lỏng để đo mức độ phát quang khi có phản ứng rồi chọn ra các thụ thể mùi tốt nhất.
Các nhà nghiên cứu hiện đang mở rộng nghiên cứu để có thể áp dụng cách thức mũi phát hiện những tín hiệu lạ trong môi trường bình thường không phải chất lỏng.
Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tinh chỉnh thiết bị để các thụ thể cảm mùi có thể phát hiện nhiều mùi khác nhau.
“Chúng tôi có một bảng điều khiển có thể theo dõi các thụ thể phản ứng với các mùi khác nhau, bao gồm các chất tương tự nhau trong cấu trúc hóa học hoặc các chất có liên quan được sử dụng trong thực tế”, giáo sư Matsunami tiết lộ.